Đây không hoàn toàn là một thiết bị công nghệ cao bởi cấu tạo khá đơn giản của nó. Con robot chạy pin sẽ phát ra những âm thanh buồn bã ư khi bị bỏ lại một mình, và hạnh phúc khi được bế nựng.
Theo quan điểm của Vstone, công ty robot phía sau ý tưởng về Hiro-chan (chan trong tiếng Nhật là từ chỉ em bé trai), đó là những gì cần thiết để mang đến hiệu quả chữa lành sang chấn tâm lý cho người già trong viện dưỡng lão. Hiệu ứng này dường như lại được tăng cường thêm bởi hình hài thiếu vắng khuôn mặt của con robot, gợi chút ám ảnh, mơ hồ.
Một con Hiro-chan có giá vào khoảng 50 USD, gây ấn tượng bởi phần đầu tròn, trông như phiên bản sơ sinh của Karl Pilkington (MC truyền hình nổi tiếng ở Anh), ngoại trừ việc không có khuôn mặt.
Về mặt chức năng, một thiết bị đo gia tốc (accelerometer) bên trong có thể giúp Hiro-chan nhận ra khi nào nó được ôm nựng để chuyển trạng thái biểu cảm, từ phát ra những âm thanh buồn bã sang hạnh phúc.
Vstone không cho Hiro-chan một khuôn mặt, bởi làm vậy sẽ gây ra tác động lẫn lộn. Chẳng hạn, nếu cho robot khuôn mặt luôn luôn cười, chủ nhân có thể sẽ không đạt được cảm giác thỏa mãn khi âu yếm nó.
Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, Vstone cũng nhận thấy “thiết kế Hiro-chan như vậy đã được người dùng đón nhận không khác gì robot có khuôn mặt.” Khó có thể nghĩ ra giải pháp nào đơn giản và hiệu quả hơn để loại bỏ những nét thiếu tự nhiên bằng cách để cho robot không có khuôn mặt.