Robot làm hướng dẫn viên do Đại học Quốc gia Hà Nội chế tạo
11/12/2019
228 Lượt xem
Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, trong nhiều sản phẩm công nghệ độc đáo được trưng bày, thì robot hướng dẫn viên du lịch của Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thu hút sự chú ý của nhiều người.
TS. Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Điện tử - Viễn thông cho biết, dự án FUSO được thực hiện từ tháng 12/2017, mục đích là hướng dẫn khách du lịch, thuyết trình các sản phẩm trong nhà truyền thống, phòng triển lãm, viện bảo tàng. Bên cạnh đó, robot có thể ứng dụng tại bệnh viện hay khu du lịch, siêu thị.
"Đây là robot đầu tiên ở Việt Nam có hình dạng giống con người và sử dụng trí tuệ nhân tạo", TS. Bùi Thanh Tùng nói.
FUSO là sản phẩm của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ. Sáng chế là đơn đặt hàng của lãnh đạo Đại học Quốc gia sau chuyến thăm mô hình robot tại Nhật Bản. Hiện robot được huấn luyện để thuyết trình phòng truyền thông của Đại học Quốc gia Hà Nội.
FUSO có chiều cao như con người, di chuyển tới mọi nơi trong không gian đóng. Robot có thể xác định địa điểm được yêu cầu và di chuyển tới đó, tránh các vật cản trên đường.
Phiên bản đầu tiên có khả năng thuyết trình, thuyết minh trong môi trường trưng bày sản phẩm, phòng triển lãm, hệ thống này có thể phát triển thêm nhờ công nghệ học máy. Camera dùng để nhận dạng khách quen hay khách lạ, cảm xúc vui buồn của khách.
FUSO có thể nhận diện được khuôn mặt của những vị khách đã gặp và chào khi gặp vị khách đó, đồng thời cập nhật khuôn mặt của những vị khách mới sau lần đầu gặp. Bên cạnh đó, robot còn có khả năng nhận diện các cử chỉ vẫy tay của con người từ xa và phản ứng lại với các cử chỉ đó.
Thậm chí FUSO có thể đề xuất, gợi ý xem không gian trưng bày khác. Điều khiến nhóm tác giả trăn trở nhất là khả năng nhận biết con người của robot này. Bởi điều này phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu có được, nếu không đủ cơ sở dữ liệu, robot có thể nhận nhầm người khác.
FUSO hiện có thể chạy liên tục trong 5 tiếng, nhưng nhóm tác giả hướng tới mục tiêu phát triển robot có thể vận hành liên tục trong 24 giờ. Đồng thời, huấn luyện cho robot chuyên môn hóa một lĩnh vực khi có đặt hàng từ các đơn vị khác. Sản phẩm được làm từ vật liệu composite (vật liệu tổng hợp), nhẹ nhưng chắc chắn với hình dáng bên ngoài hoàn toàn có thể cải tiến thời trang hơn.