Cha đẻ của robot trí tuệ nhân tạo Trí Nhân cho biết, cần thêm khoảng 2 lần cải tiến nữa để robot này có thể chính thức đi vào lớp học và trở thành trợ giảng, giúp thầy cô giáo thực hiện các công việc như giảng bài lý thuyết, trả lời những câu hỏi thường gặp của học sinh….
Sự hào hứng trong lớp học của trợ giảng Trí Nhân
- Xin chào các bạn, tôi rất vui khi có mặt tại lớp học này để cùng nói chuyện với các bạn về trí tuệ nhân tạo. Các bạn có thể gọi tôi là Trí Nhân!
Trong một lớp học về robot và trí tuệ nhân tạo, chuyên gia Phạm Thành Nam bước vào cùng với Trí Nhân và để chú robot bắt đầu câu chuyện. Sau màn chào hỏi đó, Trí Nhân được giới thiệu như người trợ giảng của anh và bắt đầu bài thuyết trình dài 10 phút.
“Tất cả học viên trong lớp đều rất hào hứng,” anh Phạm Thành Nam nhớ lại cảm xúc của của những học viên có mặt trong lớp. “Trí Nhân là hiện thân của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà chúng ta vẫn nghe nói hằng ngày với những công nghệ tiêu biểu nhất như AI, dữ liệu lớn, IoT, công nghệ siêu máy tính, điện toán đám mây,…”.
Chuyên gia Phạm Thành Nam bên robot Trí Nhân. Ảnh: Ngọc Vũ
Thực tế, để Trí Nhân có thể đảm nhận vai trò của một trợ giảng, trình bày bài thuyết trình và trả lời câu hỏi của học viên, chuyên gia Phạm Thành Nam đã phải có một buổi làm việc trước đó: soạn nội dung Trí Nhân sẽ trình bày và câu trả lời cho những câu hỏi mà học viên có thể đưa ra rồi cài đặt sẵn.
Công nghệ tổng hợp tiếng nói giúp Trí Nhân tự động nói theo nội dung đã được soạn mà không cần thu âm trước. Tốc độ giọng nói, khoảng cách giữa các câu, các đoạn đều có thể được cài đặt. Khi giảng viên chỉnh sửa nội dung, Trí Nhân sẽ tự động thay đổi nội dung trình bày hoặc hỏi đáp theo các cập nhật đó.
“Với tư cách là trợ giảng, Trí Nhân có thể thay giáo viên làm những công việc lặp đi lặp lại. Hãy thử tưởng tượng mỗi ngày giảng viên phải dạy 3 lớp và phải trả lời hàng chục câu hỏi giống nhau. Giờ đây, việc của họ sẽ đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần viết ra những gì cần nói trước lớp, tương tác thêm với học sinh để khơi gợi cảm hứng, tạo ra sự kết nối hoặc trả lời bổ sung những phần Trí Nhân chưa biết. Nói chính xác thì Trí Nhân là diễn viên và người giảng viên là đạo diễn” – anh Phạm Thành Nam nói về vai trò của chú robot được quan tâm trên mạng xã hội những ngày qua.
Bên cạnh những dữ liệu chuyên biệt đầu vào do giảng viên cung cấp, robot Trí Nhân cũng được cha đẻ Phạm Thành Nam trang bị cho rất nhiều kiến thức được cập nhật từ công cụ tìm kiếm Google để có thể trở thành nhân vật “biết tuốt”, trả lời được cả những vấn đề đòi hỏi kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức đời sống, giải các bài toán phức tạp hay đáp lại những câu hỏi xã giao thường ngày như “Bạn thấy tôi có xinh không?”.
Với phương châm ‘đứng trên vai người khổng lồ’, cộng với những kinh nghiệm có được trong 15 năm hoạt động ở lĩnh vực mã nguồn mở, Phạm Thành Nam tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên mã nguồn mở cũng như hạ tầng nền tảng của Google kết hợp thêm những công nghệ siêu máy tính do anh phát triển. Trong đó, công nghệ nhận dạng và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống Auto Machine Learning, Big Data… giúp Trí Nhân hiểu được những câu hỏi từ người đối diện, tự động thu thập dữ liệu từ Google và đưa ra câu trả lời.
Theo anh Nam, các thông tin đến với Trí Nhân được chia làm 2 nhóm: dữ liệu kiến thức và dữ liệu tương tác. Trong đó, nhóm dữ liệu kiến thức được anh chuẩn hóa nguồn đầu vào khi hệ thống thực hiện lệnh tìm kiếm nhóm thông tin ưu tiên từ sách giáo khoa, wikipedia, các trang web của chính phủ, bộ, ngành... Nếu thông tin lấy từ báo chí, các trang web chưa đủ độ tin cậy, trong mỗi câu trả lời, Trí Nhân sẽ đưa kèm theo nguồn để đảm bảo sự khách quan. Với nhóm dữ liệu tương tác, thông tin đầu vào được soạn sẵn để Trí Nhân luôn linh hoạt thay đổi câu trả lời theo từng tình huống cụ thể, không gây ra sự nhàm chán khi trả lời.
“Hai nhóm kiến thức Trí Nhân giỏi nhất là Toán, tiếng Anh” chuyên gia Phạm Thành Nam bật mí. “Lý do là bởi, Trí Nhân có nền tảng siêu máy tính hỗ trợ để thực hiện giải các phương trình, tích phân phức tạp chỉ trong vài giây, đây là điều Google không làm được. Trong khi đó, Google có nguồn dữ liệu tiếng Anh giao tiếp chuẩn nên Trí Nhân hoàn toàn có thể giao tiếp trong trường hợp người hỏi phát âm chuẩn. “Quan trọng hơn, cơ chế AutoML giúp Trí Nhân có thể có các tùy chỉnh riêng cho từng môn học, hiểu giọng nói đặc thù của từng địa phương, thậm chí ở mức cá nhân với độ chính xác hơn 99% khi Trí Nhân hoạt động ở chế độ bạn thân, cho dù tiếng Việt của người nói không chuẩn,” anh Nam kể về đứa con tinh thần với giọng tự hào.
Hỗ trợ để thầy cô tự do sáng tạo
Khi nào Trí Nhân có thể thực sự làm trợ giảng? Khi nhận được câu hỏi này, cha đẻ của Trí Nhân thừa nhận rằng, ở thời điểm hiện tại, chú robot vẫn mang ý nghĩa trình diễn nhiều hơn việc có thể đảm nhận vai trò trợ giảng được đặt ra. Để thực sự có thể đứng trước học sinh, Trí Nhân cần phải trải qua 2 lần cải tiến liên quan đến ngoại hình, đơn cử như có thể chớp mắt thay vì nhìn trừng trừng và cử động được tay chân để tạo thiện cảm.
Tuy nhiên, thứ quan trọng nhất mà anh Phạm Thành Nam cho rằng Trí Nhân cần hoàn thiện để thực sự đảm nhận được vai trò của trợ giảng là kỹ năng tương tác xã hội.
“Vì sao tôi lại phải tạo ra một robot chứ không phải phần mềm, vì để làm trợ giảng thì cần một thứ giống như con người chứ không đơn thuần âm thanh phát ra từ loa hay điện thoại. Bởi vậy, khi đứng trên bục giảng, để thu hút học sinh, Trí Nhân cần gây được hứng thú,” anh Nam lý giải và chia sẻ về kỳ vọng của mình đối với Trí Nhân. “Điều này phải đến từ cả hai phía, sự sáng tạo của giảng viên trong dữ liệu bài giảng nguồn đưa vào và khả năng học máy của Trí Nhân. Tôi muốn Trí Nhân trở thành chú robot vừa hài hước, tếu táo lại vừa có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh.”
Để làm được điều này, anh Nam cho rằng cần đưa Trí Nhân tham gia vào những thử nghiệm xã hội, tương tác nhiều để quan sát và đánh giá, điều chỉnh.
“Có thể cần tới vài chục hoặc vài trăm cuộc tiếp xúc như vậy,” anh Nam nói. Nhưng dù thông minh và biết tuốt tới đâu thì anh Nam cho rằng, Trí Nhân cũng không thể thay thế con người mà chỉ góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi số nhanh hơn và kích thích sự sáng tạo của giáo viên cho những bài giảng lặp đi lặp lại.
Anh tin, khi đã trở thành phiên bản hoàn hảo, mỗi robot như Trí Nhân sẽ trở thành trợ lý phát ngôn độc đáo của người thầy từ những dữ liệu bài giảng họ đưa vào. Nội dung bài giảng càng thú vị và được đầu tư, Trí Nhân càng trở nên hấp dẫn khi đứng trước học sinh với những cách giảng độc đáo, liên kết các nội dung liên quan trên môi trường internet tự động, không bị vấp hay quên. Thời gian Trí Nhân thay mình thuyết trình, giảng viên có thể dành để quan sát phản ứng của học sinh trước mỗi kiến thức được đưa ra hay tương tác theo một cách khác nhằm khơi gợi hứng thú.
Được xây dựng trên nền tảng mở, chú robot này cho phép kết nối với những sản phẩm trong hệ thống bài giảng trực tuyến của Open Classroom mà anh Phạm Thành Nam và các cộng sự của mình phát triển trước đó cũng như các bài giảng của đơn vị khác để thầy cô tự do sáng tạo. Đơn cử như với môn Hóa, nếu giảng về các phản ứng hóa học, Trí Nhân có thể kết nối với hệ thống phòng thí nghiệm ảo của Open Classroom và mô phỏng các phản ứng trực quan giúp học sinh hiểu bài trong vài phút.
Bởi vậy, với anh Nam, vượt ra khỏi ý nghĩa trình diễn các khả năng có được, Trí Nhân hơn hết trở thành biểu tượng tinh thần đánh dấu cho sự bắt đầu chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam.
“Dự án lớn không phải là dự án triệu đô mà là dự án có thể ảnh hưởng tới triệu người", anh Phạm Thành Nam chia sẻ suy nghĩ. “Trí Nhân sẽ truyền cảm hứng tới mỗi người về cách chúng ta cần làm để thích ứng với thay đổi của thế giới. Ví như nghề giáo, nếu thầy cô chỉ tới và giảng lại bài của năm trước thì rõ ràng, vai trò của họ không khác Trí Nhân là mấy. Điều đó khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn về sự sáng tạo và vận dụng những công nghệ đang thịnh hành đưa vào lớp học, tạo ra những thay đổi tích cực cho học sinh,” anh Nam nói và bày tỏ niềm tin rằng Trí Nhân sau này sẽ có thêm nhiều “anh, chị em khác” cùng mang lại những thay đổi như thế trong cộng đồng.
Anh Phạm Thành Nam tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội vào năm 2007; sau đó, tốt nghiệp thạc sĩ chương trình liên kết giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với ĐH La Rochelle, Pháp, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, vào năm 2010. Ngoài ra, anh có chứng chỉ về khoa học máy tính cho chuyên gia doanh nghiệp của ĐH Harvard, Mỹ, theo chương trình đào tạo trực tuyến vào mùa hè năm 2018. Từ năm 2014-2018, anh làm việc tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chuyên về Tính toán hiệu năng cao, tạo ra siêu máy tính để các nhà khoa học tiến hành các thử nghiệm mô phỏng. Từ năm 2019 đến hết năm 2020, anh làm việc tại Ban Công nghệ FPT (FPT.AI), chuyên về công nghệ AI giao tiếp bằng giọng nói. Anh cho biết, thời gian tới chuyên tâm hoàn thiện robot Trí Nhân và phát triển thêm các robot khác, trong đó có robot Hồng Tâm dành cho y tế. |
Theo Khoahocphattrien