Phao được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến, có thể cứu 3 người lớn cùng lúc trong điều kiện khắc nghiệt, vận tốc dòng chảy lớn.
Sản phẩm do Bùi Hoàng Sơn, Huỳnh Trần Ngọc Thịnh, Nguyễn Minh Toàn, Hồ Đắc Nguyên và Trần Nhất Tri, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM sáng chế. Ý tưởng của nhóm thực hiện với mục đích hỗ trợ cứu nạn đuối nước, hoặc vận chuyển thực phẩm trong vùng lũ. Khi cần sử dụng, người tham gia cứu hộ có thể điều khiển để phao chạy tới bên người gặp nạn, hỗ trợ họ bơi vào bờ.
Phao có dạng chữ U kích thước dài 1,1 m, rộng 0,8 m, đường kính ống đẩy 0,2 m. Sản phẩm làm bằng vật liệu composite, được quét thêm một lớp nhựa polyester kết hợp sợi thủy tinh để đảm bảo độ bền, nhẹ, chịu va đập và ăn mòn cao khi hoạt động trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Với trọng lượng khoảng 15 kg, phao có tốc độ chạy 15 km mỗi giờ bằng động cơ điện, thời gian hoạt động tối đa 30 phút với bán kính 500 m. Phao được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến dài tần 2,4 GHz với độ ổn định cao. Trên thân có đèn led nhấp nháy giúp con người dễ nhận biết ban đêm.
Kể về lý do thực hiện sản phẩm, Bùi Hoàng Sơn, sinh viên ngành thiết kế vỏ tàu chia sẻ, nhiều lần đọc báo thấy mỗi năm tại Việt Nam có hàng nghìn trẻ em gặp tai nạn đuối nước. Ngoài việc dạy các em học bơi, quá trình cứu nạn cần được hỗ trợ bởi công nghệ để có thể cứu người nhanh, chính xác nhất. "Khi sản phẩm được ứng dụng thực tế, những người cứu hộ sẽ được huấn luyện kỹ năng điều khiển phao để xử lý tốt nhất giúp cứu người bị đuối nước", Sơn nói. Sản phẩm của nhóm thiết kế dựa theo quy chuẩn quốc gia về an toàn hàng hải và một số quy chuẩn quốc tế về phao cứu sinh.
Phao này cũng có thể dùng để vận chuyển lương thực đến người dân vùng lũ với đặc tính nhỏ gọn, cơ động và khả năng chở hơn 20 kg nhu yếu phẩm. Sản phẩm còn hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế ở các khu cách ly trên tàu.
Nhóm đã thử nghiệm phao vận chuyển lương thực và cứu hộ ở môi trường ao hồ và sông Sài Gòn. Với hình dạng chữ U thiết kế đối xứng giúp phao có thể hoạt động khi bị lật úp trong điều kiện khắc nghiệt, vận tốc dòng chảy lớn.
Hiện sản phẩm ở phiên bản thứ 3. Nhóm nghiên cứu đang cải tiến bằng vật liệu nhẹ hơn để giảm trọng lượng phao, tối ưu hệ thống động lực và tăng thời gian vận hành.
"Nhóm dự tính làm sản phẩm nhẹ thêm 2 - 3 kg nữa nhằm tăng khối lượng vận chuyển và thời gian hoạt động của phao. Dự kiến sản phẩm có giá thành khoảng 40 triệu đồng. Một số loại của nước ngoài tính năng tương tự có giá trên 100 triệu đồng", Sơn cho biết.
Thử nghiệm khả năng cứu người trên sông của phao điều khiển từ xa. Ảnh: NVCC
Sản phẩm phao điều khiển từ xa của nhóm đoạt giải Nhì, bảng kỹ thuật công nghệ, cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức cuối năm 2021.