Máy vớt rác được thiết kế trên hệ thống phao, đặt cố định trên kênh có thể nâng hạ theo dòng nước và tự động vớt rác lên thùng chứa bằng băng chuyền.
Sản phẩm do nhóm sinh viên Võ Khánh Toàn, Lê Nguyễn Hoàng Tuấn, Nguyễn Hoàng Thiên và Phạm Thanh Hải sinh viên ngành Cơ điện tử, Đại học Bách khoa TP HCM sáng chế với mục tiêu giảm chi phí nhân công, chi phí máy móc cho việc vớt rác trên sông.
Mô hình máy vớt rác trên kênh rạch của nhóm. Ảnh: NVCC
Máy vớt rác được chế tạo dài 1,6 m, rộng 0,9 m, cao 1,7 m. Hệ thống lưới được bố trí phía trước cố định vào băng chuyển để thu gom toàn bộ các loại rác nổi, bèo trôi theo dòng chảy.
Rác khi vào lưới sẽ chuyển lên băng chuyền nghiêng 45 độ được khoan lỗ nhỏ để nước có thể chảy xuống, giảm trọng lượng rác và giảm sức tải cho máy. Băng chuyền hoạt động nhờ hệ thống bánh xe quay truyền động nhờ dòng chảy của nước. Băng chuyền đưa rác lên bồn dung tích 660 lít, có thể chứa gần 270 kg rác. Khi thùng chứa rác đầy, cảm biến tiệm cận sẽ phát tín hiệu cho người quản lý trên ứng dụng điện thoại để điều động xe rác đến vị trí thu gom. Ngoài ra, các camera lắp ở khu vực đặt máy sẽ giúp người quản lý theo dõi hoạt động, kịp thời xử lý nếu có sự cố.
Trong trường hợp nước tĩnh hoặc dòng chảy yếu, động cơ điện dự phòng được kích hợp bằng năng lượng mặt trời duy trì hoạt động của máy. Trường hợp thủy triều dâng làm đổi chiều dòng chảy, máy sẽ ngưng hoạt động, bánh xe quay ngược chiều sẽ tích điện vào bộ lưu trữ năng lượng mặt trời để động cơ điện hoạt động khi cần. Máy có thể đặt ở khu vực giao nhau giữa kênh, rạch và sông Sài Gòn chiều rộng từ 3 - 4 m để thu gom rác trước khi đổ ra sông.
Theo Võ Khánh Toàn, dự kiến vào đầu năm nay, nhóm sẽ thử nghiệm máy vớt rác ở sông Sài Gòn để đánh giá hiệu quả. "Mỗi máy chỉ từ 5 - 7 triệu đồng. Nhóm kỳ vọng máy sẽ thay thế cho các thiết bị vớt rác có người điều khiển và chi phí cao", Toàn nói và cho biết, sắp tới nhóm sẽ nghiên cứu phát triển máy với nhiều kích cỡ, phù hợp với quy mô các kênh rạch để hoạt động tối ưu hơn.
Vì máy hoạt động ngoài trời nên nhóm đang tìm kiếm loại vật liệu thích hợp để có thể hoạt động ổn định trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.
Sản phẩm đã giành giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TP HCM chủ đề "Bảo vệ và phát triển cảnh quan sông Sài Gòn" do Thành đoàn TP HCM năm 2021.