Nhóm sinh viên Đại học bách khoa TP HCM tìm ra cách loại bỏ nước lẫn trong mật ong, tăng thời gian bảo quản lên tới 3 năm, giá sản phẩm cao gấp hơn 4 lần.
Nhóm Bee Innovative gồm 5 thành viên đều là sinh viên trường Đại học bách khoa (ĐHQG TP HCM) gồm Hoàng Bá Khôi, Nguyễn Hồng Phước, Võ Minh Tâm và Nguyễn Phương Hạnh và Nguyễn Quý Khôi.
Võ Minh Tâm, trưởng nhóm cho biết, mật ong Việt Nam hiện xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, do độ ẩm trong mật ong lớn (lượng nước có trong mật ong chiếm từ 18-35%). Mật ong có thủy phần cao thường loãng, có nhiều bọt gas, mau hỏng, dễ lên men.
Để giải bài toán này, nhóm nghĩ đến một thiết bị quay mật ong hoạt động trong điều kiện chân không, giảm nước lẫn trong mật.
Nhóm Bee Innovative bên chiếc máy thủy phần mật ong. Ảnh: NVCC
Thiết bị được chế tạo với hai khoang tách biệt, nhưng thông áp với nhau. Một khoang một chứa mật ong và khoang hai chứa chất hấp phụ - zeolite. Ở giữa thiết bị có ống dẫn hơi nước.
Zeolite sau hấp phụ nước, ở điều kiện chân không, nước trong mật ong sẽ bốc hơi. Lúc này thiết bị được quay đều liên tục, giúp mật ong trải đều thành màng phim mỏng theo thành thiết bị giúp quá trình hạ thủy phần diễn ra nhanh hơn. Ống ở tâm thiết bị sẽ dẫn hơi nước đến khoang hai và được zeolite hấp phụ. Theo quy trình này, trong vòng 2 giờ, lượng nước lẫn trong mật ong sẽ giảm
Thử nghiệm đưa mật ong có độ ẩm 25% vào thủy phần ở điều kiện chân không, sau hai giờ, độ ẩm giảm xuống 18%. Mật ong này đạt chuẩn xuất khẩu.
Theo nhóm nghiên cứu, mật sau khi xử lý hạn dùng tăng lên ba năm thay vì một năm trong khi dưỡng chất và mùi vị được giữ nguyên. Tâm cho biết, nhóm hướng tới các hộ kinh doanh mật ong vừa và nhỏ có thể sử dụng thiết bị này.
Tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, 1 kg mật ong mùa mưa có giá từ 70.000 đồng, sau khi xử lý có thể tăng lên đến 300.000 đồng, chi phí vận hành thiết bị chỉ khoảng 1.000 đồng/lít.
Nhóm hy vọng có thể cải thiện giá trị mật ong Việt Nam, từ đó kích thích sự phát triển của ngành sản xuất mật ong và cải thiện thu nhập của các hộ nuôi ong. Ngoài mật ong, tham vọng của nhóm mở rộng phạm vi ứng dụng thiết bị đến các sản phẩm thực phẩm khác như thực phẩm lỏng và nhạy cảm với nhiệt độ cao như sữa, nước ép... "Nhóm rất tự tin sản phẩm sẽ đem lại giá trị cao khi được ứng dụng", Võ Minh Tâm nói.
PGS.TS Nguyễn Đình Quân, giảng viên Trường Đại học bách khoa TP HCM cho biết, sử dụng zeolite để hút nước trong mật ong ở nhiệt độ bình thường mà không phải gia nhiệt là sáng tạo của nhóm nghiên cứu. Thiết bị cô quay hấp phụ được nhóm thiết kế khi quay mật ong được tráng lớp mỏng lên thành thiết bị, tăng cường mức độ bốc hơi của nước.
"Đây là sáng chế có tính mới, sáng tạo, cải tiến từ những kỹ thuật cơ bản của ngành kỹ thuật hóa học và chế biến thực phẩm", PGS Quân nói. Thiết bị này có thể được chế tạo ở quy mô lớn hơn để phục vụ sản xuất thực tế. Sáng chế của nhóm nghiên cứu có thể giúp cho việc hạ thủy phần mật ong trở nên hiệu quả hơn cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế, giúp nâng cao giá trị của mật ong Việt Nam.