Sinh viên ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xem phim theo sở thích
21/03/2018
109 Lượt xem
Nếu bạn thích xem nhân vật Thành Long trong một bộ phim điện ảnh nào đó, hệ thống sẽ nhận dạng, phân tích và tổng hợp tất cả những phân cảnh có nhân vật này.
Thành An đang lập trình cho sản phẩm của mình. Ảnh: NVCC.
Xem nhân vật yêu thích theo từng phân cảnh
Những người yêu thích phim ảnh có thể xem các phân cảnh nhân vật mình thần tượng trên video đó. Ngoài ra, hệ thống này có thể ứng dụng trong các camera an ninh, kiểm soát đối tượng khả nghi bằng công nghệ nhận dạng mặt người.
Sản phẩm do Nguyễn Thành An và Nguyễn Phát Tài, cựu sinh viên khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM nghiên cứu, sáng chế.
Thành An chia sẻ, hiện tại các trang web hoặc các công cụ tìm kiếm video chỉ có thể tìm kiếm theo mô tả bằng chữ, tiêu đề của đoạn video. Và chưa có hệ thống nào có thể tìm kiếm theo khuôn mặt. Vì thế hệ thống của nhóm có thể tìm kiếm trên một đoạn video theo khuôn mặt người (đã xây dựng dữ liệu).
Cụ thể, khi mở một đoạn video, hệ thống có thể nhận dạng được một nhân vật trong video xuất hiện vào thời gian nào, xuất hiện bao lâu, xuất hiện mấy lần….
Giải thích cụ thể hơn, Nguyễn Phát Tài chia sẻ, nếu bạn thích nhân vật Thành Long trong một bộ phim điện ảnh nào đó. Hệ thống sẽ phân tích và tổng hợp phân cảnh có nhân vật này.
Để làm được việc này, hai chàng sinh viên đã sử dụng trí tuệ nhân tạo, lập trình cho máy tính khả năng phân loại hình ảnh. Thậm chí, máy tính có thể nhận diện được nhân vật cần tìm tốt hơn so với con người.
Mỗi lần xử lý bộ dữ liệu hơn 16GB, nhóm phải thực hiện với siêu máy tính trong 4 đến 8 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn, không có tiền thuê siêu máy tính nên nhóm sử dụng máy tính cá nhân mất 12-24 tiếng đồng hồ để thực hiện tính toán với cơ sở dữ liệu hơn 16GB.
Thành An nhận giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2017. Ảnh: NVCC.
Có thể mở rộng thành nhiều ứng dụng hữu ích
Bàn về tính ứng dụng của sản phẩm, Thành An chia sẻ, hiện tại, sản phẩm mới chạy thực tế một phần và vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện. Các thành viên nhóm sẽ phát triển thành các dịch vụ trực tuyến dùng để nhận diện mặt người và phát hiện mặt người.
Các dịch vụ này có thể tích hợp vào các ứng dụng như camera giám sát, tự động ghi nhớ mặt để quản lý nhân viên trong công ty, chống trộm, tìm kiếm phân đoạn video theo khuôn mặt…
Sau khi tham dự cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, đề tài được nhóm nhận được những đánh giá khả quan của Hội đồng chuyên môn về khả năng ứng dụng thực tế. Nhóm cũng nhận được những sự quan tâm, kết nối của một số doanh nghiệp.
“Bản thân mình sẽ học tập tốt chương trình thạc sỹ và tìm kiếm cơ hội sang Nhật Bản. Nếu làm được mình sẽ cố gắng học hỏi chuyên môn sâu hơn, tiếp tục nghiên cứu để trau đồi thêm kiến thức tại Viện JAIST vì Nhật Bản là một đất nước rất mạnh về trí tuệ nhân tạo” - Thành An chia sẻ.
PGS.TS Trần Minh Triết, Phó trưởng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá cao sản phẩm của nhóm sinh viên. Các bạn sinh viên đã có những nghiên cứu để phát triển các thuật toán thành một dịch vụ chạy trên website. Dịch vụ này có thể giúp người dùng phát hiện và nhận dạng mặt người trên video.
“Tôi hy vọng, các sinh viên sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển hệ thống thành các dịch vụ khác có tính ứng dụng cao, đặc biệt là những ứng dụng sử dụng trong thành phố thông minh”- PGS.TS Trần Minh Triết cho hay.
Đề tài nghiên cứu "Tổng hợp và tìm kiếm video dựa vào phát hiện và nhận biết mặt người" của Thành An và Phát Tài đã giành giải Nhất lĩnh vực công nghệ thông tin, cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2017 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.