Tầm nhìn về công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong tương lai và một số gợi mở cho Việt Nam
23/11/2017
99 Lượt xem
Ngày 22/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức tọa đàm khoa học về “Tầm nhìn về công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong tương lai và khả năng ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Vào thế kỷ XX, con người đã phát minh ra lazer và sử dụng lazer tạo ra nhiều kỳ tích để phát triển KH&CN phục vụ đời sống. Chính nhờ sử dụng lazer mà chúng ta tạo ra các chip bán dẫn giúp con người có những thiết bị điện tử với những tính năng thông minh, cùng nhiều sản phẩm hữu ích. Tuy nhiên, công nghệ chế tạo chip bán dẫn đang đứng trước giới hạn về nguyên lý mà nhất thiết con người phải vượt qua để có thể tiếp tục chế tạo các chip điều khiển nhanh hơn, mạnh hơn, bộ nhớ có dung lượng lớn hơn trong tương lai. Lời giải cho thách thức này nằm trong lĩnh vực nghiên cứu về những công nghệ chìa khóa cho tương lai, phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
GS.TS Trần Đức Chỉnh phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe GS.TS Trần Đức Chỉnh - Nguyên thành viên Chiến lược phát triển công nghệ cho tương lai, thuộc XTREME Technologies Corp., (CHLB Đức) giới thiệu tầm nhìn về công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong tương lai. Trên cơ sở phân tích nguyên lý chế tạo siêu vi mạch bán dẫn của các hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), TSMC (Đài Loan)…, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra một số giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận, ứng dụng được các kết quả nghiên cứu này cho đời sống dân sinh, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh xã hội và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.