Ứng dụng công nghệ trích ly, nhóm tác giả của Trung tâm Phát triển KH&CNTrẻ TPHCM đã nghiên cứu, thu nhận được chất màu chlorophyll từ bèo tấm, có thể thay thế chất màu tổng hợp dùng trong thực phẩm, dược phẩm.
Bèo tấm Lemnoideae - loài thực vật thủy sinh với khả năng sinh trưởng nhanh - có rất nhiều tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng thôn quê. Việc nuôi trồng bèo tấm thường được thực hiện ở quy mô gia đình để dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Bèo tấm có chứa các vitamin A, B1, B2,... và các axit amin không thay thế, trừ methionin. Sinh trưởng trong điều kiện tối ưu về dinh dưỡng và các điều kiện nuôi cấy thì hàm lượng protein của bèo tấm có thể đạt tới 45% trọng lượng chất khô, rất cao so với các loài thực vật khác và tương đương với hàm lượng protein có trong đậu tương. Đặc biệt, chất màu trong bèo tấm (Chlorophyll) chứa giá trị dinh dưỡng có thể thay thế protein và đã được ứng dụng trong dược phẩm, thực phẩm ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong nước chưa có nghiên cứu nào về khai thác chất màu từ bèo tấm. Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất chất màu chlorophyll từ bèo tấm”, nhằm nâng cao giá trị sử dụng, tạo ra chất màu mới an toàn và nguồn cây trồng mới cho người dân trong nước.
Bèo tấm có thể sản xuất chất tạo màu có giá trị dinh dưỡng. Ảnh: TL
Bèo tấm sau khi nuôi từ 15 – 20 ngày được thu hoạch, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phơi khô và xay nhỏ. Bột bèo tấm cùng với dung môi là aceton 80% được trích ly ở nhiệt độ phòng trong 8 giờ, có bổ sung magie cacbonat (MgCO3), rồi ly tâm để thu dịch chlorophyll. Sau khi cô đặc dung dịch chlorophyll, thu được chế phẩm chất màu SCC (Sodium Copper Chlorophyllin), đạt các yêu cầu về an toàn và vệ sinh thực phẩm. Chế phẩm SCC được bổ sung vào nước giải khát có gas cho màu xanh lá và không làm mùi vị bị thay đổi.
Hiện nhóm tác giả đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất SCC tan trong nước từ bèo tấm, tiếp tục thử nghiệm bổ sung SCC vào các sản phẩm thực phẩm khác. Nhóm cũng mong muốn có thể chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu để kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Từ đó, tạo ra sản phẩm mới từ bèo tấm, cung cấp thêm loại cây trồng cho người dân, đặc biệt ở các vùng trũng của khu vực phía Nam.