Số lượng đơn đăng ký sáng chế của các chủ thể Việt Nam, đặc biệt là đơn của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng gia tăng. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu đang tiếp cận ngày gần hơn với nhu cầu của thực tiễn, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách bền vững.
Hoạt động sáng chế mạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách bền vững - Ảnh: VGP
Bảo vệ kết quả, nâng cao chất lượng và giá trị nghiên cứu
Nếu như giai đoạn trước năm 2010, mỗi năm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chỉ có từ 1-2 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền, thì con số tương ứng trong giai đoạn 2018 đến nay là hơn 50 bằng độc quyền mỗi năm.
Riêng năm 2023, Viện có số lượng bằng độc quyền tăng trưởng mạnh (tăng 41% so với năm 2022), với 76 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Đặc biệt, Viện đã có 3 sáng chế được cấp bằng độc quyền ở nước ngoài.
Hiện nay, tổng số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chiếm khoảng 40% số bằng độc quyền cấp cho khối viện nghiên cứu, trường đại học của cả nước.
PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, sở hữu trí tuệ giữ vai trò là công cụ, động lực then chốt đối với sự phát triển bền vững của các viện nghiên cứu, trường đại học nói chung và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói riêng.
Việc số lượng văn bằng độc quyền sở hữu trí tuệ của Viện tăng mạnh trong thời gian qua là tín hiệu tích cực thể hiện sự phát triển của tiềm lực KHCN, tính ứng dụng vào thực tiễn và hàm lượng trí tuệ của các kết quả nghiên cứu.
Bởi khi có nhu cầu hay khả năng hợp tác chuyển giao công nghệ, đơn vị chủ trì, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ quan tâm việc đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu để vừa khẳng định tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghiệp của sản phẩm, công nghệ, vừa giảm thiểu rủi ro của việc đạo ý tưởng, công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Với việc đăng ký bảo hộ sáng chế, nhà khoa học có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ kết quả nghiên cứu, nâng cao chất lượng và giá trị nghiên cứu, đồng thời tiến hành thương mại hóa kết quả nghiên cứu để có nguồn lực tái đầu tư cho các nghiên cứu, sáng tạo mới. Từ đó, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Thời gian qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xác định nhất quán chủ trương coi việc định hướng đăng ký bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ là một phần của công tác nghiên cứu. Nhiều chính sách thúc đẩy sở hữu trí tuệ đã được Viện ban hành, như: Hỗ trợ kinh phí cho nhà khoa học và đơn vị có văn bằng sở hữu trí tuệ được cấp; ban hành quy định về tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra về sở hữu trí tuệ đối với các đề tài thuộc hướng ứng dụng triển khai; giới thiệu, quảng bá công nghệ được bảo hộ sở hữu trí tuệ, thu hút đầu tư và tìm hiểu, lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp, địa phương, tạo thành cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn…
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế như: Cục Sở hữu trí tuệ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)... nhằm hỗ trợ các nhà khoa học tham gia các khóa tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực trong việc công bố bài báo, định hướng đăng ký sáng chế và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Đổi mới cách tiếp cận về sở hữu trí tuệ
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), trong những năm gần đây, số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục và số lượng bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích do Cục cấp ra đều có xu hướng tăng.
Trong giai đoạn 2014-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,8%/năm.
Đặc biệt, năm 2023, số lượng bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người nộp đơn Việt Nam đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022, gồm 315 bằng độc quyền sáng chế (năm 2022 là 153) và 391 bằng độc quyền giải pháp hữu ích (năm 2022 là 176).
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, có được kết quả trên một phần là nhờ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin, viết bản mô tả sáng chế cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu đã được Cục Sở hữu trí tuệ đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua.
Trong đó phải kể đến việc hình thành và vận hành Mạng lưới TISC (Mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo) theo sáng kiến của WIPO. Theo đó, các hoạt động của mạng lưới thường nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của các viện nghiên cứu và trường đại học trong nghiên cứu và sáng tạo, đăng ký bảo hộ và thương mại hóa các sáng chế, chuyển giao công nghệ.
Quan trọng hơn là hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ được hoàn thiện đáp ứng với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022) là lần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ toàn diện nhất từ trước đến nay, nội dung sửa đổi, bổ sung rất rộng từ đăng ký xác lập quyền, khai thác, thương mại hoá đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, để khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo và thương mại hoá kết quả nghiên cứu KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã có quy định trao quyền đăng ký tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì đối với kết quả được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các đối tượng: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng và quy định cụ thể về quyền của Nhà nước, nghĩa vụ của tổ chức chủ trì đối với các đối tượng này.
Các quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng là kết quả từ các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước, mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KHCN chủ động đăng ký, khai thác thương mại các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bảy, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu về gia tăng cả về số lượng và chất lượng các tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam, trong đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm.
Vì vậy, một trong những mũi nhọn Cục Sở hữu trí tuệ ưu tiên thực hiện là nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một trong những cái nôi để gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng đơn và bằng độc quyền sáng chế "Made in Viet Nam".
Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin về giải pháp kỹ thuật cho các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà nghiên cứu nhằm tránh nghiên cứu trùng lặp, tạo động lực nghiên cứu.
Hỗ trợ chuyên sâu về xác lập quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Triển khai các hoạt động dịch vụ về sở hữu công nghiệp, phối hợp với các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về quản trị và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hoạt động và hình thức kết nối, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong mạng lưới TISC nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng khai thác, phát triển tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu.
Đồng thời với việc tăng số lượng tài sản trí tuệ, đặc biệt số lượng sáng chế được bảo hộ, chúng ta cần chú trọng quan tâm đến chỉ tiêu về thương mại hóa sáng chế, ứng dụng sáng chế vào cuộc sống để đem lại giá trị cho đất nước.
"Chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận, cần xem sở hữu trí tuệ như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ", ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh.
Nguồn: baochinhphu.vn