Tạo ra dịch chiết thảo dược kháng nấm gây bệnh thán thư trên cây ớt
09/05/2025
2 Lượt xem
Ớt là loại cây gia vị được trồng phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, cây ớt thường bị ảnh hưởng bởi nhiều loại bệnh do nấm, vi khuẩn và côn trùng, làm giảm năng suất hoặc thậm chí mất mùa. Trong số đó, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gây ra là nghiêm trọng nhất, có thể làm giảm sản lượng từ 10 - 80%. Bệnh này có thể lây nhiễm từ giai đoạn cây con đến khi quả chín, ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm, chất lượng cũng như hàm lượng capsaicin (thành phần chính tạo nên vị cay của ớt) và oleoresin của ớt.
Tại Việt Nam đã phát hiện ít nhất bốn loài nấm Colletotrichum gây bệnh thán thư trên ớt, gồm C. gloeosporioides, C. capsici, C. nigrum và C. acutatum. Hiện nay, phương pháp kiểm soát bệnh thán thư đang được quan tâm là sử dụng chiết xuất thảo dược do tính an toàn và thân thiện với môi trường. Theo xu hướng đó, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông Lâm và Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành thí nghiệm nhằm xác định loài nấm Colletotrichum gây bệnh thán thư trên ớt và đánh giá khả năng ức chế nấm gây bệnh của dịch chiết gừng và cây thuốc dòi.
Trước hết, để xác định loài nấm Colletotrichum gây bệnh thán thư trên ớt, nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu ớt (chỉ thiên và ớt sừng vàng châu Phi) có triệu chứng bệnh thán thư từ các vườn trồng tại Tiền Giang. Triệu chứng bệnh bao gồm các vết bệnh màu nâu xám đến nâu đen, lõm xuống, có dịch nhầy, khi nặng xuất hiện các đĩa cành li ti màu đen xếp theo vòng tròn hoặc lộn xộn. Bệnh lan rộng làm quả khô lại, không sử dụng được.
Kết quả, các tác giả đã phân lập được 30 mẫu Colletotrichum spp., trong đó có 22 mẫu từ quả ớt chỉ thiên và tám mẫu từ quả ớt sừng vàng bị nhiễm bệnh. Dựa trên đánh giá hình thái, các mẫu nấm Colletotrichum spp. chưa đủ cơ sở xác định đến mức loài. Do đó, nhóm đã sử dụng phương pháp phân tích sinh học phân tử, xác định hai loài gây bệnh thán thư trên ớt là Colletotrichum scovillei và Colletotrichum gloeosporioides.
Đánh giá khả năng lây bệnh của Colletotrichum spp. cho thấy, trong điều kiện không gây vết thương trên quả ớt, tỷ lệ nhiễm bệnh là 50%. Khi có vết thương, tất cả các mẫu nấm Colletotrichum spp. đều gây bệnh với tỷ lệ nhiễm 100%. Sau sáu ngày, triệu chứng bệnh thán thư xuất hiện với hai dạng vết loét điển hình: màu đen và vàng nâu. Vết bệnh có hình dạng bất định, ban đầu là các đốm đen nhỏ, sau đó lan rộng, chuyển sang màu nâu đậm đến đen, không có ranh giới rõ rệt với mô khỏe. Ở vùng bị tổn thương, biểu bì quả ớt chuyển sang màu nâu đen.
Để đánh giá khả năng ức chế nấm gây bệnh của dịch chiết gừng và cây thuốc giòi, nhóm nghiên cứu cắt nhỏ, phơi khô và nghiền gừng tươi và lá cây thuốc dòi thành bột, chiết lấy cao. Cao chiết sau đó được hòa tan trong Ethanol 90° theo tỉ lệ 1 g cao trong 10 ml Ethanol, rồi pha loãng với nước ở các nồng độ khác nhau để sử dụng trong thí nghiệm.
Thử nghiệm hoạt tính kháng nấm Colletotrichum bằng phương pháp khuếch tán trên thạch cho thấy dịch chiết từ gừng, thuốc dòi và hỗn hợp dịch chiết đều có hiệu quả kháng nấm tốt. Nồng độ để đạt hiệu lực ức chế tối đa lần lượt là 10% gừng, 11% thuốc dòi và 10% hỗn hợp. Ngoài ra, sử dụng dịch chiết gừng 8%, thuốc dòi 9% và hỗn hợp 8% có thể ức chế bào tử nấm với hiệu lực tương ứng 94,1%, 82,5% và 84,5% sau 24 giờ. Như vậy, cao chiết gừng và cây thuốc dòi có thể thay cho thuốc diệt nấm và diệt khuẩn hóa học.