Không khí trong nhà ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe
Chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra các chất ô nhiễm thông thường có thể tìm thấy trong nhà là bụi bông, khói thuốc, Benzene, Formaldehyde, Naphthalene; Nitrogen Dioxide; Polycyclic Aromatic Hydrocarbons; Radon; Trichloroethylene; Amiang; Ozone; Toluene; vi sinh vật.
Các chất gây ô nhiễm trên được phát ra từ nhiều nguồn trong nhà như khói thuốc lá, bếp than tổ ong, bếp dầu, bếp ga (thải ra khí CO2). Quá trình xào nấu thức ăn sẽ bốc ra mùi làm ô nhiễm không khí trong bếp. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như Formaldehyde, Benzene, Acetone phát sinh từ thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, thảm lau chùi, đồ gỗ, sơn, chất tẩy rửa, đồ nhựa. Mặt khác, những nơi ồn ào hoặc giá rét thường đóng kín cửa sổ (để chống ồn và chống rét) khiến các loại khí độc hại không thoát ra ngoài được.
Trong đó hóa chất Formaldehyde là chất phổ biến trong đồ nội thất bằng gỗ ép cũng như màn, quần áo được ép cố định. Trẻ em đặc biệt dễ bị kích ứng đường hô hấp do tiếp xúc với khói Formaldehyde. Vì các sản phẩm mới thải ra khí thải mạnh hơn, nên để chúng ở ngoài trước khi mang vào nhà và giặt màn sạch sẽ trước khi dùng.
Trong một nghiên cứu, có khoảng gần 1/3 số người mắc bệnh hen suyễn cho biết họ gặp vấn đề về hô hấp khi tiếp xúc với chất làm mát không khí do có chứa phthalates, một chất hóa học có liên quan đến các vấn đề về nội tiết và phát triển ở trẻ em.
Thậm chí bếp gas được lắp đặt hoặc lắp đặt không đúng cách có thể thải khí độc hại vào nhà. Ở mức độ thấp, carbon monoxide (CO) có thể gây mệt mỏi, với nồng độ cao hơn có thể gây buồn nôn, đau đầu, lú lẫn và thậm chí tử vong. Nitrogen dioxide (NO2) có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em. Đảm bảo các đầu đốt được điều chỉnh chính xác để các đầu ngọn lửa luôn có màu xanh lam. Thông gió bếp bằng quạt thổi bên ngoài để tránh tích tụ khí gas nguy hiểm.
Ngoài ra, các hạt bụi đã lắng đọng có thể bị cuốn vào thông qua các hoạt động khác nhau và sau đó được hít vào. Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, tất cả điều này có thể dẫn đến mức độ ô nhiễm bụi mịn trong nhà rất khác nhau và không dễ dàng xác định hoặc đánh giá về tác động của chúng đối với sức khỏe.
Khoa Hô hấp - Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến cơ quan hô hấp. Những bệnh có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí như: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi… đều gia tăng tần suất. Đặc biệt, với những người có bệnh mạn tính về hô hấp như hen, COPD... dễ bị các đợt kịch phát cấp tính làm cho chức năng hô hấp ngày càng xấu đi, giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ.
Tiêu chuẩn quốc gia về xác định nồng độ của bụi trong không khí trong nhà
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10736-34:2023 không khí trong nhà - phần 34 các chiến lược đo bụi trong không khí do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các chiến lược chung để xác định nồng độ của bụi trong không khí trong nhà và ở dải kích thước hạt trong khoảng từ 1 nm đến 100 μm. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn đưa ra các phương pháp xác định các nguồn bụi điển hình trong nhà và đưa ra các khuyến nghị chung để lấy mẫu đại diện.
Tiêu chuẩn này mô tả các nguồn bụi chính trong nhà, cùng với các động lực học của bụi trong nhà, quy định các phương pháp đo khác nhau, cùng vơi các ưu điểm, nhược điểm và lĩnh vực áp dụng, cũng như đưa ra một số khuyến cáo chung về lấy mẫu. Các chiến lược đo để xác định bụi trong không khí trong nhà được đề cập, bao gồm các nghiên cứu trường hợp đối chứng với các khuyến cáo lấy mẫu cụ thể hơn. Việc xác định độ không đảm bảo đo và các yêu cầu báo cáo tối thiểu cũng là một phần của tiêu chuẩn này.
Yêu cầu chung về nồng độ bụi mịn trong nhà có thể bắt nguồn từ các nguồn liên tục (ví dụ: không khí xung quanh, sưởi) và từ các nguồn không liên tục (ví dụ: nấu ăn, hút thuốc, đốt nến, máy in). Do các vị trí nguồn và động lực học khác nhau này, mà sự phân bố kích thước và thành phần của các hạt trong nhà thay đổi rõ rệt.
Yêu cầu chung về phương pháp đo các hạt trong không khí trong nhà, nên sử dụng các phương pháp khác nhau, các biến đo được xác định, dưới dạng tích phân hoặc dưới dạng đại lượng được phân tích theo kích thước: Nồng độ khối lượng hạt; Nồng độ số hạt; Nồng độ diện tích bề mặt hạt; Nồng độ diện tích bề mặt lắng đọng phổi (LDSA) của hạt; Nồng độ thể tích hạt.
Các biến số này được đo trực tiếp hoặc tính toán từ các giá trị đo được. Trong trường hợp thứ hai (ví dụ: khi tính nồng độ diện tích bề mặt từ nồng độ số hạt đối với các phần kích thước hạt khác nhau), cần kiểm tra xem phương pháp tính toán được sử dụng có hợp lý cho nhiệm vụ dự định hay không. Lưu ý, chỉ có thể ước tính nồng độ khối lượng từ nồng độ số hạt nếu không gian phân bố kích thước hạt và mật độ của các hạt đã biết. Điều này cũng đúng đối với các chuyển đổi cho các đại lượng khác (diện tích bề mặt, thể tích, v.v...).
Yêu cầu chung về quy trình đo phát thải trung bình và phân giải thời gian của một nguồn cụ thể, do sự thay đổi theo thời gian của một số nguồn phát thải có thể thay đổi đáng kể nên việc xác định lượng phát thải trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian được sử dụng để xác định tác động trung bình của nguồn thường là hữu ích hoặc cần thiết. Lý do đối với phép đo phân giải thời gian có thể là để xác định nồng độ tối đa hoặc mức phát thải cực đại, hiểu rõ hơn về sự thay đổi hoặc trạng thái động của nguồn, xác định nguồn hoặc đảm bảo chất lượng của chính quá trình đo. Tuy nhiên, nhu cầu về phép đo phân giải thời gian dẫn đến một số yêu cầu bổ sung đối với quy trình đo.
Bất kỳ thiết bị nào có độ phân giải thời gian cao bao trùm dải kích thước và cường độ đều có thể được sử dụng cho mục đích này. Cách dễ nhất là sử dụng cùng một thiết bị như thiết bị được sử dụng để xác định mức phát thải trung bình của nguồn. Tuy nhiên, nếu vì lý do thực tế hoặc quy định, khối lượng trung bình nên được xác định bằng một thiết bị có đặc tính thời gian thấp, thì có thể sử dụng một thiết bị bổ sung.
Vì các phương pháp phân giải thời gian thường có thể tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, nên cần xem xét xác định lượng dữ liệu cần thiết, trình tự lấy mẫu và số lượng sự cố phát thải nguồn (nếu có thể). Điều này là để tối đa hóa thông tin có thể truy cập và giảm thiểu công việc cần thiết để xử lý dữ liệu, có thể giảm thiểu đáng kể so với xử lý dữ liệu đo một lần.
Khi đo nồng độ hạt trong nhà, một kết quả có thể là nồng độ hạt cao hơn mong đợi. Trong trường hợp này, có thể sử dụng các kỹ thuật giâm thiểu khác nhau với mục đích giảm nồng độ hạt mà con người tiếp xúc, như: Loại bỏ một nguồn xác định; Bao quanh nguồn và sử dụng bộ lọc trong quá trình trao đổi không khí; Thay đổi hành vi (trao đổi không khí sạch cưỡng bức); Lọc không khí bằng hệ thống điều hòa không khí.
Việc đảm bảo chất lượng hiệu năng phải được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với từng phương pháp đo cụ thể. Khi đo nồng độ số hạt, phải tuân thủ các điều kiện quy định trong TCVN 10736-1 (ISO 16000-1). Thiết bị kiểm soát lưu lượng được sử dụng phải cho phép xác định tốc độ dòng chảy phù hợp cần thiết để chọn kích thước chính xác trong đầu lấy mẫu và cũng như xác định thể tích lấy mẫu đã biết.
Ngoài ra cũng cần sử dụng hệ thống kiểm soát khí hậu để điều hòa (ổn định) và cân bộ lọc. Hệ thống này được gọi là buồng cân theo EN 12341. Có thể là một căn phòng hoặc nhà ở phù hợp. Nhiệt độ và độ ẩm tương đối phải được đo liên tục và được đặt ở 19 °C đến 25 °C và 45 % đến 65 % tương ứng. Cân phải được lắp đặt và vận hành trong buồng cân và phải có độ phân giải < 10 μg.
nguồn:vietq.vn