TCVN 9400:2024 về xác định độ nghiêng công trình bằng phương pháp trắc địa
01/04/2025
4 Lượt xem
Có rất nhiều phương pháp xác định độ nghiêng của các công trình xây dựng tuy nhiên để đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng thì nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9400:2024.
Độ nghiêng của công trình xây dựng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ bền vững và an toàn của công trình trong suốt quá trình sử dụng. Khi công trình bị nghiêng, không chỉ làm giảm giá trị thẩm mỹ mà còn có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng và ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Vì vậy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn độ nghiêng cho phép là rất quan trọng.
Căn cứ tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9400:2024 công trình dân dụng và công nghiệp có chiều cao lớn- xác định độ nghiêng bằng phương pháp trắc địa do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thì các phương pháp trắc địa để đo đạc, xác định độ nghiêng của công trình bao gồm phương pháp sử dụng máy kinh vĩ; Phương pháp sử dụng máy toàn đạc điện tử; Phương pháp sử dụng máy chiếu đứng; Phương pháp sử dụng công nghệ GNSS; Phương pháp sử dụng hệ thống VAS.
Đối với các công trình có dạng hình trụ tròn (silô chứa vật liệu rời, bồn chứa nhiên liệu, ống khói nhà máy và tương tự), các phương pháp để đo đạc xác định độ nghiêng bao gồm: Phương pháp giao hội thuận; Phương pháp đo hướng; Phương pháp chiếu đứng từ tâm công trình; Phương pháp chiếu đứng từ bên ngoài công trình.
Đối với các công trình tháp (truyền hình, ăng ten vô tuyến viễn thông), cột điện cao thế đường dây trên không, các phương pháp để đo đạc xác định độ nghiêng bao gồm: Phương pháp đo góc nhỏ; Phương pháp đo tọa độ.
Phương pháp đo độ nghiêng sẽ được lựa chọn tùy theo độ chính xác yêu cầu, điều kiện đo ngắm và trang thiết bị của đơn vị tiến hành đo đạc. Để biểu diễn độ nghiêng và hướng nghiêng đối với mỗi công trình cần xác lập một hệ tọa độ thống nhất. Hệ tọa độ này có thể là chung cho toàn bộ công trình hoặc cũng có thể là cục bộ đối với từng hạng mục riêng biệt.
Xác định độ nghiêng nhà cao tầng có vai trò quan trọng giúp đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa
Việc quan trắc độ nghiêng phải được thực hiện bằng các máy móc, thiết bị phù hợp với từng phương pháp và độ chính xác yêu cầu. Trước khi đưa vào sử dụng các máy móc thiết bị phải được kiểm nghiệm và hiệu chỉnh theo đúng các quy định của tiêu chuẩn hoặc qui phạm chuyên ngành.
Độ nghiêng của công trình trong giai đoạn khai thác sử dụng xuất hiện do nhiều nguyên nhân: Do tác động của tải trọng, tác động của gió, do ảnh hưởng của độ lún không đều, v.v. Việc xác định độ nghiêng của công trình trong giai đoạn này cần phải được thực hiện lặp đi lặp lại theo các chu kỳ để theo dõi và đánh giá sự phát triển độ nghiêng theo thời gian. Việc lựa chọn chu kỳ đo dài hay ngắn tùy thuộc vào tốc độ phát triển độ nghiêng của công trình.
Sự phát triển độ nghiêng của công trình trong giai đoạn khai thác sử dụng có liên quan trực tiếp với sự lún lệch của nó, vì vậy song song với sự theo dõi độ nghiêng cần tiến hành theo dõi cả độ lún của công trình bằng phương pháp thủy chuẩn hình học chính xác theo TCVN 9360:2024.
Khi quan trắc độ nghiêng của các công trình trong điều kiện không có không gian thao tác đủ rộng thì máy kinh vĩ hoặc máy toàn đạc điện tử cần phải được trang bị thêm kính ngắm vuông góc và phải sử dụng loại máy có con lắc điện tử để bù xiên cho hai trục và con lắc này phải được kích hoạt ở chế độ hoạt động. Hệ tọa độ quy ước dùng để quan trắc độ nghiêng các toà nhà cao tầng tốt nhất nên chọn sao cho các trục của nó song song hoặc vuông góc với các cạnh của toà nhà.
Các điểm quan trắc độ nghiêng nên chọn tại các khu vực có thể đặc trưng tốt nhất cho sự dịch chuyển của toà nhà như: các góc nhà, khu vực khe lún, khu vực có xuất hiện các vết nứt và các khu vực theo yêu cầu.
Trong giai đoạn thi công xây dựng nhà cao tầng, độ thẳng đứng tổng thể của tòa nhà được đảm bảo bằng các dụng cụ chiếu đứng để chuyển tọa độ từ mặt bằng cơ sở (mặt bằng tầng một) lên các tầng. Vì vậy trong giai đoạn này chỉ đo độ nghiêng cục bộ của các yếu tố trên từng tầng. Các yếu tố cần xác định độ nghiêng là cốp pha để đổ bê tông các cột, tường chịu lực, buồng thang máy và các yếu tố khác.
Phương pháp đơn giản nhất để xác định độ nghiêng của các yếu tố của nhà cao tầng trong giai đoạn thi công là treo dây dọi và dùng thước để đo khoảng cách từ dây dọi đến yếu tố cần kiểm tra ở phía trên và phía dưới. Độ nghiêng của yếu tố cần quan trắc được đánh giá thông qua chênh lệch khoảng cách đo được ở phía trên và phía dưới.
Các công trình dạng hình trụ tròn bằng bê tông cốt thép như si lô chứa vật liệu rời, ống khói nhà máy, v.v. chủ yếu được thi công theo phương pháp cốp pha trượt, vì vậy việc đo độ nghiêng của các đối tượng này trong giai đoạn thi công xây dựng tốt nhất nên thực hiện bằng các máy chiếu chuyên dùng.