Thanh tra Bộ KH&CN; tìm hiểu kinh nghiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả tại Niu Zi-lân
22/08/2016
155 Lượt xem
Với chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng KH&CN giao và theo đề nghị của Thanh tra Bộ KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (VISTIP) đã liên hệ với các đối tác của Niu Zi-lân tổ chức chuyến công tác cho Đoàn của Thanh tra Bộ KH&CN tại Niu Zi-lân.
Tại mỗi quốc gia, quyền sở hữu trí tuệ được thực thi theo nhiều cấp độ khác nhau xuất phát từ yêu cầu của luật pháp mỗi nước, hay nói cách khác từ mong muốn của lý thuyết quản lý (cơ quan quản lý) cho tới cuộc sống hàng ngày (hoạt động thực tiễn). Do vậy, đây là một vấn đề rất rộng lớn, phức tạp và liên quan nhiều chủ thể từ tổ chức đến cá nhân, từ cơ quan nhà nước đến các thành phần tư nhân và từ phạm vi quốc gia đến mối quan hệ quốc tế…
Đoàn chụp ảnh chung với cán bộ của GibsonSheat. Ảnh: VISTIP
Để có được bức tranh toàn cảnh về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và công tác chống hàng giả tại Niu Zi-lân, VISTIP đã bố trí cho đoàn của Thanh tra Bộ gặp gỡ, trao đổi với nhiều cơ quan/ đơn vị khác nhau của Niu Zi-lân, từ cơ quan Chính phủ như Bộ Doanh Nghiệp, Đổi mới và Việc làm (MBIE)- tiền thân là Bộ Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (nơi đã ký MOU với Bộ KH&CN Việt Nam năm 2010)- cơ quan quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ cho tới các trường đại học- nơi sản sinh ra các tài sản trí tuệ. Làm việc với MBIE, đoàn đã tìm hiểu thêm được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Với Gibsonsheat- một Hiệp hội tư vấn pháp lý, đoàn có thêm kiến thức về thực trạng xử lý các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cũng như cách thức mà các văn phòng luật sư tham gia vào hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Với Cơ quan Thương mại và Doanh nghiệp Niu Zi-lân (NZTE), đoàn hiểu thêm về Chương trình đăng ký và quản lý thương hiệu quốc gia - “Chương trình đăng ký Nhãn lá cây Dương xỉ” (FernMark Licence Programme). Đây là chương trình rất hữu ích cho “Chương trình Sản phẩm quốc gia” của Việt Nam học tập. Riêng với đại học Victoria của Wellington, đoàn đã có thêm kiến thức thực tiễn về cách thức mà chủ sở hữu trí tuệ là các nhà khoa học và các trường đại học- nơi hàng ngày, hàng giờ sản sinh ra các tài sản trí tuệ tự bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ của mình như thế nào. Tại Niu Zi-lân, không ai khác chính các chủ sở hữu trí tuệ phải tự bảo vệ đứa con tinh thần là tài sản trí tuệ mà mình đã sinh ra. Nhà nước không tham gia trực tiếp vào quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ tạo hành lang pháp lý. Do vậy, vai trò của bên thứ Ba là các cơ quan tư vấn, thực thi và bảo vệ pháp luật như công an, hải quan, tòa án hay các hiệp hội luật sư rất quan trọng trong việc hỗ trợ chủ sở hữu tài sản trí tuệ tự bảo vệ các quyền chính đáng của mình.
Đoàn chụp ảnh chung với cán bộ của Cơ quan Thương mại và Doanh nghiệp Niu Zi-lân. Ảnh: VISTIP
Như vậy, đối với Việt Nam, để việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tốt thì trước hết cần phải nâng cao nhận thức đối với các chủ sở hữu về các quyền của họ đối với các tài sản trí tuệ mà họ tạo ra để họ có ý thức tự bảo vệ các quyền chính đáng của mình. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh vai trò của các bên thứ Ba, đặc biệt là vai trò của các cơ quan tư vấn pháp lý cũng như vai trò khách quan, minh bạch của các cơ quan giám sát và bảo vệ pháp luật như công an, tòa án và hải quan trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ./.