Startup nào cũng mong gọi được vốn nhưng quá đề cao việc gọi vốn cũng không phải là điều hay, theo Alex Devero - người sáng lập và CEO của công ty chuyên về thiết kế đồ họa và trải nghiệm người dùng mang tên Devero tại Czech. Dưới đây là một số lý do:
Gọi vốn không phải là một phép thử sản phẩm
Để xây dựng một startup thành công, bạn phải tạo ra được một sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng sẵn lòng bỏ tiền ra mua. Không ít doanh nhân cho rằng gọi vốn thành công là một chỉ dấu cho sự sống còn của sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Có bao giờ bạn tự hỏi, liệu các nhà đầu tư có phải là những người sẽ sẵn lòng bỏ tiền ra mua sản phẩm/ dịch vụ cuối cùng mà bạn tạo ra, hay chỉ là những người đưa tiền cho bạn bởi họ kỳ vọng sản phẩm của bạn xứng với khoản đầu tư của họ. Rất nhiều nhà đầu tư thậm chí còn chẳng quan tâm tới sản phẩm của bạn. Cái họ cần là lợi nhuận và đầu tư cho bạn chỉ là một cách để họ đạt mục tiêu.
Khi nhà đầu tư đưa tiền cho bạn có nghĩa là họ nghĩ sản phẩm của bạn có thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, việc “nghĩ” có người sẽ sẵn lòng mua sản phẩm khác với tìm được người sẵn lòng mua sản phẩm. Khâu gọi vốn chỉ giúp bạn đạt được vế đầu tiên.
Vì vậy, trước khi quyết định tới các buổi thuyết trình gọi vốn, hãy tìm cách bán sản phẩm cho người dùng thật. Điều này không đòi hỏi bạn phải có trong tay những sản phẩm/dịch vụ hoàn chỉnh. Tất cả những gì bạn cần là rất nhiều hình ảnh hoặc slide. Ý tôi là, bạn không cần bán một sản phẩm thật để xác thực giá trị của nó. Bạn có thể thử bán nó nhờ bước “tiền bán hàng”. Nó sẽ cho thấy ít ra có một thị phần nhỏ bé nào đó cho sản phẩm của bạn. Còn nếu không, bạn nên thử một ý tưởng khác.
Brian Bosché và Dan Bloom của nhóm khởi nghiệp Slope đang thuyết trình trong Ngày Startup GeekWire 2016.
Ảnh: GeekTime
Tốn thời gian
Trước khi bắt đầu các vòng gọi vốn, bạn cần hiểu một điều là gọi vốn giống như công việc toàn thời gian. Bạn có ít cơ hội gọi vốn thành công từ lần đầu tiên, và như thế bạn sẽ cần những lần gọi vốn khác. Giả dụ thành công ngay từ lần đầu, bạn vẫn cần những vòng gọi vốn sau bởi bạn sẽ cần thêm tiền trong tương lai. Công việc này sẽ chiếm rất nhiều thời gian của bạn và bạn không còn thời gian cho những việc khác.
Với tư cách nhà sáng lập, bạn là người phù hợp nhất để đi bán ý tưởng của mình cho nhà đầu tư, song nhà đầu tư lại không phải là khách hàng quan trọng nhất của bạn. Trước mắt, họ đem tiền đến cho bạn nhưng về lâu dài, người đem tiền đến cho bạn chính là khách hàng.
Bởi vậy bạn còn phải dành thời gian đi thuyết phục khách hàng. Nếu là một nhà sáng lập đơn độc, bạn càng phải cân nhắc từng phút của mình, bạn sẽ dành thời gian đó để xây dựng sản phẩm, bán nó cho người dùng hay đi thuyết trình gọi vốn?
Tiền nhiều có thể cản trở sức sáng tạo
Khi có tiền cũng là lúc bạn đối diện với một vấn đề khác. Hãy thử tưởng tượng có hai startup. Một nhóm có rất nhiều tiền, không phải lo lắng tới sự sinh tồn, có thoải mái thời gian để xây dựng sản phẩm. Và thế là họ không phải “đi nhanh và phá vỡ lối mòn”.
Nhóm thứ hai chỉ có đủ tiền để trả cho máy chủ họ cần. Họ thậm chí không có đủ tiền thuê văn phòng, tệ hơn, tiền thuê máy chủ cũng cạn dần. Đây là nhóm phải “đi nhanh, phá vỡ lối mòn” bởi nếu không, họ sẽ thất bại.
Theo bạn, nhóm nào mới thật sự có lợi thế cạnh tranh? Nếu là tôi, tôi sẽ chọn nhóm thứ hai bởi không có động lực nào cho sự phát triển mạnh hơn sự sống còn của doanh nghiệp. Cũng không nên quên rằng, họ chẳng có gì để mất.
Quả thực, có rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ sự thiếu thốn nguồn lực. Khi không đủ tiền mua một sản phẩm, người ta phải tìm cách tạo ra nó và họ học được cách làm tốt hơn trong quá trình tự thân đó. Thực tế, không dồi dào tài chính lại là một lợi thế lớn của startup. Nó buộc bạn phải trở nên sáng tạo hơn, phải tìm kiếm, thử nghiệm những ý tưởng, những cách thức mà chưa ai làm trước đó.
Tuy vậy, việc gọi vốn và sức sáng tạo không loại trừ nhau. Muốn giữ được tinh thần đổi mới sáng tạo tương đối dễ. Nếu bạn đã có một vòng gọi vốn thành công, hãy vờ như không có. Đừng tiêu số vốn bạn gọi được vào những thứ mà bạn hoặc một người trong nhóm nghĩ rằng công ty đang cần. Hãy tìm cách khác để làm điều đó.