Giải quyết được ý muốn gần là đi ăn đám giỗ vẫn tưới được vườn. Xa hơn một chút, nhà vườn có thể đi du lịch mà vẫn đảm bảo cữ tưới nước cho vườn cây nhà mình.
“Tại sao nông dân mình quá cực trong khi ở một số nước đã đưa máy móc, thiết bị công nghệ tự động ứng dụng tốt vào sản xuất, còn nông dân mình thì cứ mãi bán mặt, bán lưng với cách nói có vẻ thụ động là… lấy công làm lời…?”. Và anh nông dân trẻ ở Cần Thơ đã mày mò ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa vào công việc tưới vườn mà theo anh là “nhất cử, đa tiện lợi”.
Ý tưởng thay sức người
Canh tác 8.000m2 vườn trồng quýt đường, quýt hồng đặc sản thật không đơn giản với một nông dân trẻ tuổi như anh Cao Phát Triển (Út Triển - sinh 1975) khu vực Thới Xương 1 (phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trong điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn hơn, chi phí đầu vào liên tục tăng...
Anh Triển kể, sáu tháng mùa mưa phải lo đắp đê ngăn nước, bơm thoát tiêu úng… không kể gì ngày đêm. Đến sáu tháng mùa nắng phải lo trữ nước trong hệ thống mương vườn để đủ tưới cây. Công việc mùa khô hạn còn gian nan hơn cả chống úng. Tưới bằng tay hoặc có hỗ trợ máy bơm vẫn tốn nhiều công sức, chi phí, thời gian.
“Chỉ riêng chi phí mướn nhân công 200.000 - 500.000 đồng cho một lần tưới hoặc phun thuốc và cần thời gian từ một buổi đến hai ngày mới làm xong việc”, Út Triển nhẩm tính. Trong khi đó, hàng ngày lại thường gặp tình huống hôm nay có khách, ngày mai đám tiệc… chưa kể những lúc sức khoẻ không tốt. Còn mỗi lần phun thuốc thì chẳng khác gì “tắm thuốc sâu”, Út Triển chia sẻ.
Anh Triển ngẫm nghĩ: “Tại sao nông dân ở các nơi đã ứng dụng tốt máy móc, thiết bị công nghệ tự động trong sản xuất, còn mình lại không?”. “Mình chưa thể cầu kỳ công nghệ cao như các nước tiên tiến, nhưng sao không thử đưa công nghệ tưới tự động từ đô thị về nông thôn để giảm bớt nhọc nhằn”, anh Triển đặt tiền đề.
Anh Cao Phát Triển thuyết minh nguyên lý hoạt động của hệ thống tưới, phun thuốc do
chính anh thiết kế lắp đặt tại vườn nhà mình.
Từ ý tưởng đó, năm 2013 Út Triển bắt đầu “nghiện” internet. “Có nhiều đêm tui phải thức trắng truy tìm thông tin, tìm hiểu cặn kẽ, ghi lại các thông số… của các mô hình tham khảo”, anh Triển cho biết.
Nhiều năm trong vai trò chủ tịch hội nông dân phường Thới Long, ông Thái Minh Đàng cho biết: “Gần nửa năm trời nghiên cứu, thử nghiệm với không ít lần thất bại, cuối cùng Út Triển cũng đã thành công với mô hình tưới nước, phun thuốc hoạt động theo nguyên lý điều khiển từ xa”.
“Trung tâm” điều khiển là một bộ vi mạch điện tử. Trung tâm này nối với một hệ thống tưới, hoặc phun thuốc tuỳ yêu cầu của người điều khiển. Hệ thống thử nghiệm đầu tay tại khu vườn của mình, anh Triển mô tả khái quát gồm một cụm thiết bị vận hành, mô tơ bơm, bồn pha nông dược… đặt giữa khu vườn. Từ đây, một hệ thống ống dẫn với nhiều kích cỡ kết nối nhau chạy khắp các bờ liếp trồng cây trong vườn.
Theo anh Triển, hệ thống tưới và hệ thống phun thuốc tách riêng được điều khiển hoạt động theo yêu cầu người điều khiển. Các nhánh rẽ được tách ra từ ống chính nối với các vòi phun (nhà nông gọi là béc - PV).
Qua thử nghiệm Út Triển cho rằng, nếu hệ thống tưới sử dụng loại béc có tia phun quá to, nước văng ra xa, rớt trở xuống mương gây lãng phí. Ngược lại, nếu béc phun hạt nước quá mịn thời gian cần cho một lần tưới sẽ kéo dài, chi phí điện cho hệ thống hoạt động tăng… Vấn đề là lựa loại béc nào phù hợp để tưới vườn.
Qua vài lần thử nghiệm, cuối cùng loại béc cánh đập được Út Triển xem là phù hợp, vì mỗi phút hoạt động một béc phun ra khoảng 2 - 3 lít nước, đảm bảo đủ lượng nước cần thiết để tạo ẩm độ cho đất.
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch UBND phường Thới Long, cho biết: “Mô hình sản xuất của anh Triển hiện đang rất ‘thời sự’ trong việc đưa công nghệ vào phục vụ sản xuất, nhất là điều kiện gieo trồng ngày càng chịu tác động lớn của quá trình biến đổi khí hậu”.
Cả hai hệ thống tưới và phun thuốc cùng sử dụng chung một bơm nén, nên đầu vào của bơm nối với cả đường hút nước tưới lẫn đường hút dung dịch thuốc phun và mỗi đường được ngắt bằng các van riêng.
Đầu ra của bơm nén cũng có kết nối tương tự như vậy. Do đó các van cùng chức năng (tưới hoặc phun thuốc - PV) ở hai đầu bơm phải được điều khiển đóng hoặc mở song hành bằng cơ học.
“Điều này có nghĩa là khi cần tưới các van tưới phải mở để bơm hút nước dưới mương ở đầu vào và nén vào đầu ra dẫn đến hệ thống tưới; lúc này các van phun thuốc ở đầu vào và đầu ra của bơm phải được đóng. Ngược lại, các van tưới sẽ ở trạng thái đóng khi phun thuốc, lúc này các van của hệ thống phun thuốc sẽ được mở, bơm sẽ hút dung dịch thuốc pha sẵn từ bồn chứa đẩy lên hệ thống, phun ra các béc”, Út Triển diễn giải.
Với thiết kế như vậy, vài năm nay Út Triển dù ở bất cứ nơi đâu, tình trạng công việc ra sao cũng có thể tưới vườn bằng cách bấm vào số điện thoại di động đã tích hợp vào bộ vi mạch trong hệ thống điều khiển. Kết thúc quá trình tưới cũng đơn giản chỉ là một “cuộc gọi” vào hệ thống.
Từ mô hình thí điểm tại vườn nhà, đến nay đã có khoảng 120 hệ thống tương tự do chính anh lắp đặt cho khách hàng đến từ khắp các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ.