Thiết bị bay không người lái: “Mắt thần” giám sát những địa hình khắc nghiệt
26/03/2018
76 Lượt xem
Với thiết bị bay không người lái (UAV) do Viện Hàng không vũ trụ Viettel chế tạo có gắn camera trinh sát điều khiển giúp các cơ quan chức năng có thêm “mắt thần” trong việc tiếp cận những địa hình hiểm trở, bị chia cắt hay diện tích quá rộng không còn là vấn đề khó.
Thiết bị bay hướng đích của người sử dụng
Ông Thân Hoàng Hà - Trung tâm UAV, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, hiện Trung tâm đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số thiết bị bay không người lái (hạng nhẹ và hạng trung). Với hạng nhẹ được Viện sản xuất gồm ba dòng sản phẩm: một chạy bằng động cơ điện; loại thứ hai chạy bằng động cơ đốt trong; sản phẩm thứ ba nâng lên bằng động cơ điện, hành trình thì chạy bằng động cơ đốt trong. Tất cả các sản phẩm này đều có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể thiết bị bay này có thể bay để theo dõi đường dây điện cao thế, phát hiện những hỏng hóc, bất thường (rạn nứt, giãn, võng đường dây cao thế, gỉ sét trên các cột điện, đường dây điện cao thế) để từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời; theo dõi giám sát thực trạng khu bảo tồn, rừng nguyên sinh, giám sát tình trạng giàn khoan, ống dẫn dầu, dự báo sạt lở đất ở khu vực đồi núi hiểm trở, các khu vực biên giới; phát hiện và theo dõi khai thác khoáng sản, giám sát tình trạng đường cao tốc, đường ray tàu, thậm chí giám sát cả buôn lậu... Thiết bị cũng có thể được dùng để thực hành tại các khóa học, tìm hiểu nghiên cứu về thiết bị UAV, đào tạo phi công điều khiển UAV.
Các phi công chuẩn bị cho thiết bị UAV cất cánh. Ảnh: Bích Ngọc
Theo TS Nguyễn Như Văn - Giám đốc Trung tâm UAV, để thực hiện việc bay giám sát, cần vận hành một tổ hợp UAV bao gồm xe chuyên dụng, 3 máy bay UAV và trung tâm điều khiển mặt đất, hệ thống thông tin liên lạc. Cụ thể với thiết bị bay có ký hiệu UAV - VT-Pigeon, thiết bị này được thiết kế tối ưu về mặt khí động học với đầu mũi cánh có winglet (cánh lượn) giúp giảm dòng khí xoáy ở đầu cánh góp phần tăng lực nâng, khả năng linh hoạt cao, giảm lực cản cảm ứng giúp tăng thời gian bay. VT-Pigeon được thiết kế có khả năng cất hạ cánh bằng đường băng hoặc bằng máy phóng/lưới thu. Khả năng tích hợp bộ định vị GPS chính xác và tin cậy giúp VT-Pigeon có thể bay theo nhiều điểm định trước.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hệ thống thông tin với tầm bay tới 200km có tính bảo mật cao. Cùng với đó hệ thống trạm mặt đất được thiết kế thân thiện với người sử dụng cho phép người dùng điều khiển thiết bị theo mong muốn, di chuyển hướng may theo đúng mục tiêu cần giám sát. Hệ thống này cũng nhận và xử lý dữ liệu nhận được từ camera giám sát để người dùng nhanh chóng đưa ra quyết định. Được biết VT-Pigeon được trang bị hệ thống camera với độ phân giải cao, có thể quan sát cả ngày lẫn đêm.
Lý giải về việc cần thiết phải có cả tổ hợp với 3 máy bay, ông Hà cho biết, khi vận hành phi công trong ô tô chuyên dụng. Mỗi máy bay sẽ bay liên tục trong 3 tiếng rồi hạ cánh, và bay tiếp cái thứ hai, rồi thứ ba để đảm bảo thời gian bay và giám sát 24/7. TS Văn cũng cho biết thêm, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel xác định hướng tới làm chủ công nghệ hàng không, vũ trụ từ thiết kế, tích hợp hệ thống đến làm chủ các công nghệ lõi trong sản xuất. Chính vì thế việc nghiên cứu, thiết kế các thiết bị bay thành công với quyết tâm 100% tất cả các sản phẩm do đơn vị tự thiết kế và sản xuất.
Đã có đơn đặt hàng
Trên thế giới, việc ứng dụng các phương tiện không người lái thông minh tích hợp kèm máy tính và hệ thống đa cảm biến đã được sử dụng để phục vụ nhu cầu quản lý, giám sát trong phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như tại Mỹ, từ những năm 2005, sau thảm họa bão Katrina, các UAV đã được sử dụng để tìm kiếm những nạn nhân mắc kẹt trong vùng bão.
Hiện nay Hiệp hội Tìm kiếm cứu nạn quốc gia (NASAR) của Mỹ cũng đang ứng dụng UAV vào các hoạt động của mình và quyết liệt vận động thông qua quy chuẩn quốc gia về ứng dụng UAV trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Ngay cả trong nông nghiệp máy bay không người lái cũng được quốc gia này ứng dụng nhằm phát huy lợi thế trong việc ghi hình, thu thập mẫu đất, nước… từ đó có thể cung cấp các thông tin chính xác giúp cho việc quản lý mùa màng, sâu bệnh lẫn bảo quản sản phẩm sau thu hoạch hiệu quả, giảm giá thành đầu vào.
Xử lý thông tin tại trạm điều khiển mặt đất. Ảnh: Bích Ngọc
Ở Đông Nam Á, Philippines cũng từng dùng UAV cho công tác cứu hộ và tìm kiếm sau cơn bão Hải Yến (Haiyan).
Còn ở Việt Nam, theo ông Thân Hoàng Hà, hiện nay một số tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên như Đăk Nông và Bình Thuận đang có nhu cầu trang bị sản phẩm UAV để kiểm soát tài nguyên rừng. Cụ thể UBND tỉnh đã chủ động liên hệ để nghiên cứu tính phù hợp trang bị tổ hợp máy bay không người lái để ứng dụng vào giám sát rừng. Hay như năm 2017 UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương cho phép Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất mua máy bay không người lái có gắn camera ghi hình để giám sát khai thác khoáng sản và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.
“Việc Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị bay có tính năng và giá thành rẻ hơn so với các dòng sản phẩm tương đương trên thị trường đã mang lại nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế khi được sử dụng công nghệ trong nước”, ông Hà khẳng định.