Trong bối cảnh dịch bệnh, các phòng khám và bệnh viện đóng cửa, không chỉ nhu cầu thăm khám sức khỏe mà cả nhu cầu xét nghiệm COVID-19 của người dân đều tăng. Và đó là một trong những lý do chính thúc đẩy sự phát triển của các startup Việt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ xa.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa trên thế giới đã tăng cao. Ảnh: globalmed
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 thứ tư, một loạt các nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa đã chung tay cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí, cho phép bệnh nhân tham khảo ý kiến của bác sĩ mà khôn vi phạm các hạn chế nghiêm ngặt về việc di chuyển.
Trong đó, startup Docosan có trụ sở tại TP.HCM cung cấp dịch vụ cho phép bệnh nhân tìm kiếm bác sĩ và đặt lịch hẹn trên nền tảng của nó. Đây là một trong những startup telehealth của Việt Nam đang cùng tham gia giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Beth Ann Lopez, startup này cung cấp dịch vụ tham vấn từ xa miễn phí.
“Nhu cầu về khám, chữa bệnh từ xa là rất lớn và chúng tôi đã quyết định triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến vào tháng 6 để đáp ứng nhu cầu khách hàng khi các phòng khám đều đóng cửa. Bệnh nhân vẫn cần được chăm sóc trong thời gian phòng khám ngừng hoạt động, còn bác sĩ thì cần thu nhập sau khi đóng cửa các phòng khám hoặc bệnh viện của mình”, bà nói và chia sẻ thêm rằng số lượng các cuộc hẹn tư vấn từ xa được đặt trên Docosan đã tăng gấp đôi trong tháng Bảy.
Lopez thành lập startup này vào tháng 1/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu lan rộng ở Việt Nam. Docosan đã có được tổng cộng 141 nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa, bao gồm các bác sĩ từ những chuyên khoa khác nhau và các phòng xét nghiệm COVID-19, với hơn 100.000 người dùng trên trang web và ứng dụng của mình.
Gần đây, Docosan cho biết nhu cầu xét nghiệm COVID-19 trên ứng dụng tăng đột biến, tổng cộng đã có 2.000 lượt đăng ký hẹn xét nghiệm kể từ khi startup này thành lập. Điều này tương đối dễ hiểu khi người dân cần một giấy xác nhận âm tính để di chuyển.
Med247 là một công ty khởi nghiệp khác sở hữu chuỗi phòng khám gia đình, đã ra mắt dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa vào tháng 12/2019. Trong bối cảnh đại dịch, startup này đã cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa miễn phí cho bệnh nhân có nhu cầu kể từ khi làn sóng thứ hai bắt đầu vào tháng 7/2020.
“Chúng tôi không đóng cửa các phòng khám của mình trong thời đại dịch. Chúng tôi sử dụng một loạt xét nghiệm sàng lọc nghiêm ngặt cho các bệnh nhân đến khám. Hiện tại, có hơn 30 bác sĩ trên nền tảng của chúng tôi, chúng tôi hiện cũng xử lý khoảng 400 lượt tư vấn mỗi ngày”, Thảo Nguyễn, Giám đốc phụ trách tăng trưởng của Med247, chia sẻ với KrASIA.
Với tổng số 38.000 người dùng đang hoạt động trên nền tảng của mình, Med247 ghi nhận mức tăng trưởng từ 30% đến 35% mỗi tháng kể từ tháng 1/2020. Mặc dù sự tăng trưởng của Med247 là ví dụ điển hình cho việc chuyển dịch sang hoạt động trực tuyến của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe truyền thống tại Việt Nam, nhưng dịch vụ trực tuyến chỉ chiếm 30% doanh thu chính của công ty.
Tuy nhiên, các startup telehealth vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn như ngành chăm sóc sức khỏe nhìn chung vẫn chưa sẵn sàng với việc chuyển sang nền tảng trực tuyến và các quy định hiện nay cho ngành này vẫn còn khá mơ hồ. Đáng lạc quan là, “các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của telehealth”, Thảo Nguyễn nhận định.
“Các bác sĩ thường tập trung vào việc thăm khám, và họ không muốn phải đối diện với gánh nặng rằng phải học cách sử dụng công nghệ mới. Với việc các phòng khám và một số bệnh viện tạm thời đóng cửa, người ta đã bắt đầu lo ngại về tương lai. COVID-19 thúc đẩy ngành công nghiệp áp dụng các giải pháp mới. Việc các bác sĩ thay đổi thái độ và sẵn sàng học cách sử dụng công nghệ mới đã giúp chúng tôi phát triển nhanh chóng”, Lopez giải thích và bổ sung rằng thu nhập tăng và dân số già hóa cũng góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Bên cạnh những đại diện kể trên, còn có một số startup cũng phát triển theo hướng này, bao gồm thị trường hiệu thuốc trực tuyến Thuocsi.vn, nơi ghi nhận lượng đơn đặt hàng tăng từ 3.500 lên 26.000 mỗi tháng vào năm ngoái, cũng như các nền tảng telehealth như Jio Health, eDoctor và Doctor Anywhere.