Tiến sĩ trẻ người Việt sang Nga tiếp thị máy làm giá đỗ
02/07/2018
82 Lượt xem
Mong muốn ngồi ở Việt Nam lấy được tiền từ các nước khác, tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung tự mang sản phẩm nghiên cứu của mình đi tiếp thị.
Trong diễn đàn kết nối giao thương giữa Việt Nam và Liên bang Nga tổ chức ngày 6-8/6 tại Moskva, gian hàng giới thiệu thiết bị làm giá đỗ của TS Đỗ Ngọc Chung đặc biệt thu hút khách tham quan. Không ít người tò mò khi biết tác giả của thiết bị là nhà khoa học trẻ, trực tiếp làm và giới thiệu sản phẩm.
Diễn đàn lần này có 50 doanh nghiệp Việt Nam sang giới thiệu sản phẩm. Chung biết đến qua một người bạn và tìm cách đăng ký. Anh chủ động bay sang trước năm ngày, mang theo thiết bị và hạt đỗ xanh của Việt Nam, mục đích là làm thử với môi trường và nhiệt độ ở Nga. Kết quả sau năm ngày, giá đỗ vươn lên tua tủa.
Khách hàng thích thú khi tự tay thu hoạch rau giá. Ảnh: NC.
Khác với thiết bị làm rau giá trên thị trường, sản phẩm của TS Chung hoàn toàn tự động và không dùng điện. Phên dưới cùng thiết kế cách đáy khoảng 1,5 cm giúp thoát nước tốt. Nhờ sự chênh lệch áp suất giữa miệng thiết bị và lỗ thoát nước, giúp không khí đối lưu tốt hơn, tăng nồng độ oxy, giải phóng CO2 và nhiệt độ nhanh hơn, từ đó rau giá có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Tại gian hàng, Chung dùng giá đỗ trộn salad mời khách ăn thử. "Do ở Nga thời tiết lạnh, giá đỗ giòn, ngọt hơn nên khách ăn thử rất thích. Nhiều khách Tây muốn mua thiết bị sau khi tìm hiểu cách làm. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mang theo vài thiết bị để trưng bày nên họ xin liên hệ để đặt hàng", TS Chung chia vui.
Ngay sau diễn đàn, anh Trần Quốc Trung, Chủ tịch Hiệp hội các đối tác Việt Nam tại Nga, đã ký hợp đồng mở xưởng sản xuất rau giá và đại lý phân phối sản phẩm tới các nước thuộc Liên bang Nga và châu Âu. Anh Trung cho biết, chỉ riêng kênh bán hàng chính thống cho cộng đồng người Việt ở Nga cũng lên tới một tấn rau giá một ngày.
Đến cuối tháng 6 này, hai container với khoảng 20.000 sản phẩm sẽ xuất sang Nga. Đây cũng là đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên với giá trị lớn mà TS Chung có được nhờ cách tiếp thị đặc biệt. Hiện giá bán ở Việt Nam là 250.000 đồng nhưng xuất sang Nga giá là 400.000 đồng/sản phẩm.
"Trước đây thiết bị làm rau giá xuất sang Canada, Australia, Ba Lan, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng chủ yếu là xách tay", Chung nói và cho biết vẫn đau đáu tìm cách để ngồi ở Việt Nam nhưng lấy được tiền từ các nước khác.
Khởi nghiệp từ sản phẩm thông dụng
Sinh năm 1980, TS Đỗ Ngọc Chung, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khọc học và Công nghệ Việt Nam, được biết đến là một startup thành công với nhiều sản phẩm hữu ích. Trong đó thiết bị làm giá đỗ được bán ở trong nước từ năm 2014 đến nay đã giúp Chung có doanh thu hơn 100 tỷ đồng.
TS Đỗ Ngọc Chung (bìa phải) giới thiệu sản phẩm làm rau giá tại Moskva. Ảnh: NC.
Để thỏa sức với những thử nghiệm nghiên cứu mới, nhà khoa học trẻ đã sáng lập Công ty TNHH Giải pháp năng lượng Toàn Diện. Bán được sản phẩm, Chung dùng tiền lợi nhuận đầu tư cho nhà xưởng sản xuất, mua máy ép nhựa, máy in vỏ hộp... Hiện doanh nghiệp startup của Chung tạo việc làm cho hơn 40 người với mức thu nhập cao (người làm kỹ thuật được trả 10-16 triệu đồng, các bộ phận khác trung bình 7 triệu đồng/tháng).
Chung cho rằng dù ở góc độ khoa học và đam mê, sản phẩm được đánh giá rất cao nhưng không đưa vào ứng dụng, thị trường không chấp nhận nghĩa là thất bại. Vì vậy phải bằng mọi cách đưa sản phẩm ra thị trường. Đó cũng là điều lý giải vì sao Chung không ngần ngại tự bỏ tiền đi khắp các nước, tham gia đủ sự kiện để tìm cách tiếp thị cái mình đã nghiên cứu.
Để luôn có sản phẩm gối đầu, TS Chung đã hình thành phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) - trái tim của doanh nghiệp với năm thành viên chuyên đưa ra các ý tưởng mới. Đầu bài được Chung đặt hàng cho phòng R&D là đi tìm giải pháp cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Câu trả lời luôn được đặt ra là: sản phẩm đó đã có trên thị trường hay chưa; làm sao để tối ưu nhất, giá rẻ nhất và người tiêu dùng có thực sự cần nó hay không?
Hiện TS Chung và nhóm nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo thành công phễu thoát nước chống tràn van một chiều, tăm nguyên sinh, máy ủ tỏi đen và thiết bị làm rau mầm Happy, có thể thương mại hóa. Một sản phẩm chuẩn bị ra mắt là rèm cửa thông minh.
"Nếu không dựa vào công nghệ, không đổi mới sáng tạo, chắc chắn khi sản phẩm bão hòa trên thị trường, doanh nghiệp sẽ chết. Nhà khoa học dù có đam mê nhưng không có tiền thì cũng khó để theo đuổi đam mê", TS Chung lý giải cho việc lăn lộn ra thị trường của mình.