Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6379: 2024 thiết bị chữa cháy- trụ nước chữa cháy
01/04/2025
8 Lượt xem
Trụ nước chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong quá trình lấy nước để chữa cháy do đó khi thiết kế, lắp đặt nên đáp ứng các yêu cầu theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6379: 2024.
Cháy nổ, hỏa hoạn là vấn đề của toàn xã hội, và không năm nào là không xảy ra cháy. Cháy nổ gây thiệt hại không những tài sản của cải mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người. Để dập tắt các vụ cháy, nước là không thể thiếu. Để đảm bảo đủ nguồn nước dập lửa, hàng loạt các trụ nước chữa cháy được đặt tại các công trình, tòa nhà và cả trên đường phố.
Trụ nước chữa cháy là thiết bị chuyên dùng được lắp đặt vào hệ thống đường ống cấp nước dùng để lấy nước phục vụ chữa cháy. Trụ nước chữa cháy bao gồm các bộ phận chính như van, thân trụ, đế trụ và họng chờ có kích thước theo tiêu chuẩn.
Trụ nước chữa cháy được chia làm hai loại là trụ nước chữa cháy nổi (trụ nổi) và trụ nước chữa cháy ngầm (trụ ngầm). Trụ nước chữa cháy nổi là loại trụ nước chữa cháy mà toàn bộ phần họng chờ đặt nổi trên mặt đất. Trụ nước chữa cháy ngầm là loại trụ nước chữa cháy được đặt ngầm toàn bộ dưới mặt đất. Do đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình chữa cháy nên khi thiết kế và xây dựng trụ nước chữa cháy nên đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn.
Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6379: 2024 thiết bị chữa cháy- trụ nước chữa cháy- yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nhằm áp dụng cho tất cả các trụ nước chữa cháy. Trụ nước được chế tạo phù hợp với tiêu chuẩn này.
Trụ nước chữa cháy nên đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa
Trụ nước phải chịu được áp suất thử không dưới 1,5 MPa. Khi thử theo 5.09, trụ nước không có dấu hiệu nứt gãy hoặc biến dạng. Sau khi lắp ráp trụ nước phải đảm bảo kín với áp suất thủy lực không dưới 1 MPa; Khi áp suất thủy lực không dưới 1 MPa, momen xoay để mở và đóng van trụ nước không lớn hơn 150 Nm.
Van trụ nước và cơ cấu truyền động van chịu được tải trọng dọc trục không nhỏ hơn 3.104 N. Khi thử không cho phép van bị đứt, hỏng ren hoặc hỏng chốt tỳ. Trụ nước phải có lỗ xả nước để tự động xả nước đọng trong thân trụ sau khi hoạt động, ở vị trí phía trên của van đang đóng. Lượng nước đọng lại trong trụ nước không lớn hơn 100 cm3. Khi lượng nước đọng lớn hơn, phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Họng chờ của trụ nổi phải phù hợp với đầu nối loại ĐRT.H-125 đối với họng lớn và đầu nối loại ĐRT.P-80 hoặc đầu nối loại ĐCR-80 đối với họng nhỏ theo TCVN 5739:2023.
Thân và van của trụ nước phải được chế tạo bằng vật liệu kim loại và tính chống ăn mòn không thấp hơn gang xám GX 15-32. Phần có ren của trục van trụ nước phải được chế tạo bằng thép không gỉ với tính chất cơ bản không thấp hơn thép 30 Cr 13. Phần có ren của khớp nối trụ ngầm phải được chế tạo bằng vật liệu có cơ tính và tính chống ăn mòn không thấp hơn hợp kim đồng mác Cu5Sn5Zn5Pb hoặc đồng thau mác CuZn4Si.
Kết cấu và cách cố định trục van của trụ nước phải bảo đảm độ chắc chắn và độ tin cậy của khớp nối, không để xảy ra khả năng khớp nối bị xoay khi mở khóa cột lấy nước chữa cháy.
Tiêu chuẩn này cũng chỉ rõ, phần nối với trục van của van trụ nước phải được chế tạo bằng vật liệu có tính chất cơ bản không thấp hơn hợp kim đồng mác Cu5Sn5Zn5Pb hoặc đồng thau mác CuZn4Si. Vòng đệm của van trụ nước phải được chế tạo bằng cao su chịu nhiệt, chịu lạnh, chịu mài mòn, có độ cứng cao và chịu được môi trường ăn mòn theo TCVN 2003:1977. Cho phép sử dụng các loại vật liệu khác có tính chất tương đương.
Đối với lớp sơn trên bề mặt ngoài trụ nước không được bong tróc trong điều kiện vận hành theo quy định. Toàn bộ nắp bảo vệ của trụ nổi phải sơn phản quang màu da cam hoặc màu vàng. Phần hình vuông của trục van để nối trụ ngầm với cột lấy nước có kích thước 22x22 mm với độ chính xác về kích thước phần hình vuông là -0,5 mm. Bề mặt phần hình vuông có độ cứng từ 26 đến 38 HRC.
Tiêu chuẩn này hướng dẫn, lắp đậy trụ ngầm phải là kiểu lật, không gây cản trở khi lắp cột lấy nước. Nắp đậy của họng nước và trục van của trụ nổi phải được mở bằng chìa khóa 5 cạnh Z22.
Đối với việc ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản trên mỗi trụ nước phải được ghi rõ và đầy đủ các nội dung sau: Tên hoặc ký hiệu hàng hóa của đơn vị sản xuất; Tên đơn vị sản xuất; Loại trụ nước; Năm sản xuất; Số hiệu tiêu chuẩn này.
Nhãn được gắn ở phía sau họng lớn đối với trụ nổi và ở thân dưới đối với trụ ngầm. Phần ren để hở và bề mặt các chi tiết kim loại không sơn phải được bôi mỡ bảo quản. Mỗi trụ nước phải kèm theo tài liệu hướng dẫn lắp đặt và vận hành. Việc bảo quản trụ nước ở nơi khô ráo. Phải đóng van khi bảo quản và vận chuyển trụ nước. Khi vận chuyển, trụ nước phải được bao gói riêng từng cái và cố định chắc chắn. Nếu trụ nước được bao gói thành kiện thì mỗi kiện không được quá 6 cái đối với trụ nổi và 10 cái đối với trụ ngầm