Tiêu chuẩn RoHS: Từ 'hàng rào' thành 'cơ hội' cho doanh nghiệp điện tử
05/06/2025
7 Lượt xem
Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, tiêu chuẩn RoHS không chỉ là rào cản kỹ thuật bắt buộc với doanh nghiệp điện tử xuất khẩu, mà còn khẳng định trách nhiệm môi trường và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Quy chuẩn làm thay đổi ngành công nghiệp
RoHS là viết tắt của Restriction of Hazardous Substances – tiêu chuẩn nhằm hạn chế các chất độc hại trong thiết bị điện và điện tử. Mục tiêu của RoHS là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử gây ra.
Tiêu chuẩn RoHS hạn chế sử dụng 10 chất nguy hiểm, bao gồm: Chì (Pb), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd), crom hóa trị sáu (Cr6+), hai loại hợp chất brom (PBB và PBDE) thường dùng làm chất chống cháy, cùng bốn loại phthalates (DEHP, BBP, DBP, DIBP) có trong nhựa dẻo. Mức giới hạn nghiêm ngặt được đặt ra: dưới 0,1% (với hầu hết các chất) và 0,01% đối với cadmium.
Bất kỳ sản phẩm điện tử nào lưu hành tại châu Âu từ điện thoại di động, tivi, máy tính đến đồ gia dụng như máy hút bụi, máy sấy tóc... đều bắt buộc phải tuân thủ RoHS và dán nhãn chứng nhận tương ứng. Không đáp ứng, đồng nghĩa với việc “đứng ngoài” thị trường trị giá hàng trăm tỷ euro mỗi năm.
Không dừng lại ở châu Âu, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Hoa Kỳ đã xây dựng bộ tiêu chuẩn tương tự hoặc dựa trên RoHS. Như một hiệu ứng domino, RoHS đã trở thành chuẩn mực toàn cầu cho ngành công nghiệp điện – điện tử, buộc doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào công nghệ, mà còn phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng và lựa chọn nguyên vật liệu theo hướng xanh – sạch.
Bài toán RoHS với doanh nghiệp Việt Nam
Ngành điện tử đang là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tính đến năm 2024, nhiều nhà máy của các tập đoàn FDI lớn như Samsung, LG, Canon, Foxconn… đã đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất chiến lược tại châu Á.
Là một trong những doanh nghiệp điện tử triển khai tiêu chuẩn RoHS, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam đã chứng minh hướng đi bài bản trong sản xuất sạch, thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Foster Việt Nam áp dụng thành công tiêu chuẩn RoHS.
Ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam, Foster đã xác định rõ phương châm sản xuất bền vững, trong đó tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế là ưu tiên hàng đầu. Một trong những cột mốc quan trọng là việc áp dụng thành công tiêu chuẩn RoHS.
Lãnh đạo Foster Việt Nam cho biết: “RoHS không chỉ là điều kiện để sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu vào thị trường EU, mà còn là cam kết lâu dài về phát triển bền vững. Chúng tôi đầu tư bài bản từ nguyên liệu đầu vào đến công nghệ sản xuất và kiểm định chất lượng".
Việc tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn RoHS giúp Foster Việt Nam không chỉ giữ vững thị trường truyền thống tại châu Âu, Nhật Bản mà còn mở rộng mạng lưới đối tác tại Mỹ và Hàn Quốc - những thị trường ngày càng siết chặt quy định về môi trường trong thiết bị điện tử.
Hay, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) đã áp dụng thành công tiêu chuẩn RoHS, khẳng định bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển xanh và hội nhập thị trường.
Tiêu chuẩn RoHS giúp Rạng Đông mở rộng thị trường xuất khẩu, hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ xanh tiêu biểu của Việt Nam
Đại diện Rạng Đông cho biết, các dòng sản phẩm chiếu sáng LED xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều tuân thủ nghiêm ngặt RoHS. Công ty đã đầu tư hệ thống kiểm tra XRF hiện đại và đào tạo kỹ thuật viên chuyên trách để đảm bảo tính đồng nhất trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Thành công này không chỉ giúp Rạng Đông mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ xanh tiêu biểu của Việt Nam.
Từ “hàng rào” thành “cơ hội”
Thực tế cho thấy, RoHS không chỉ là rào cản thương mại mà là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp toàn diện hệ thống sản xuất. Tuân thủ RoHS đồng nghĩa với việc loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm chi phí xử lý chất thải và nâng cao uy tín doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu được hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật và thiết bị kiểm định, doanh nghiệp điện tử Việt Nam hoàn toàn có thể đạt chuẩn RoHS. Việc hợp tác với các viện nghiên cứu, trung tâm kiểm nghiệm sẽ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian đạt chứng nhận.
Trong bối cảnh thế giới chuyển mạnh sang mô hình kinh tế tuần hoàn và sản xuất bền vững, RoHS là một phần không thể thiếu trong bộ tiêu chí xanh mà người tiêu dùng và các chính phủ đặt ra. Với ngành điện tử Việt Nam, việc phổ cập tiêu chuẩn RoHS không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần tạo ra hệ sinh thái sản xuất thân thiện với môi trường, điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư thế hệ mới.
Khi tiêu chuẩn không còn là “giấy phép con” mà trở thành biểu tượng của chất lượng và trách nhiệm, doanh nghiệp nào đi trước doanh nghiệp đó có cơ hội dẫn đầu.