Nhằm tìm hiểu về "Cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những kiến nghị, đề xuất từ góc độ KH&CN đối với Việt Nam”, ngày 23/08/2016, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về chủ đề này.
Buổi tọa đàm có sự tham gia đông đảo của cán bộ nghiên cứu và các lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN. TS. Hoàng Xuân Long, Phó Viện trưởng chủ trì buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, những người tham dự đã được cung cấp thông tin tóm tắt về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4), những phân tích, nhận định trên phương diện lý luận, những kinh nghiệm của một số quốc gia trong xu thế của cuộc CMCN4, nhận định và phân tích giải pháp đối sách về KH&CN của Việt Nam.
Báo cáo tại hội thảo, TS. Phạm Quang Trí trích lời của GS. Klaus Schwab "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của toàn thế giới". Ông cho rằng chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp.
Một cuộc CMCN4 đang được hình thành trên nền tảng của công nghệ số, với kết quả là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, thay đổi cách thức tương tác, giao tiếp, phương thức sản xuất.... CMCN4 hứa hẹn những tiến bộ trong ngành khoa học rô-bốt, xu hướng internet của vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D.
Tại tọa đàm, đặc trưng của cuộc CMCN4 và những tác động ảnh hưởng của cuộc CMCN4 tới đời sống kinh tế - văn hóa - chính trị - an ninh quốc phòng cũng được đề cập.
Minh họa về 04 cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang diễn ra
Nguồn: Cắt từ Bloem et al. "The Fourth Industrial Revolution", SOGETI, LINE UP boek en media bv, Groningen, 2014.
Báo cáo dẫn đề cũng đề cập đến một loạt đặc trưng của Việt Nam trước ảnh hưởng của xu thế diễn ra bởi cuộc CMCN4. Những đặc trưng này là một phần cơ sở để đề xuất giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác cũng cho thấy các nước đã có những ứng xử rất tích cực nhằm bắt kịp chuyến tàu CMCN4. Mỗi quốc gia dù khác nhau về nền tảng hạ tầng công nghiệp, khả năng tích lũy tư bản, năng lực trí tuệ và năng lực KH&CN, thể chế kinh tế... đã có những ứng xử rất linh hoạt. Báo cáo đã đề cập đến kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức, Mỹ trong chủ đề này.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã trình bày, báo cáo đề xuất một số giải pháp cơ bản đối với Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, các ý kiến tập trung vào các khía cạnh:
- Làm rõ bản chất và đặc trưng của cuộc CMCN4, những ảnh hưởng của nó tới Việt Nam và khả năng của Việt Nam bắt kịp chuyến tàu CMCN4.
- Cơ hội do cuộc CMCN4 tạo ra là sự kết nối mạng toàn cầu. Do vậy sẽ có những cơ hội cho những quốc gia "đi sau", khi họ định vị được bản thân trong quan hệ hợp tác theo chuỗi, với vai trò quan trọng của công nghệ thông tin, của trí tuệ nhân tạo, của giáo dục và đào tạo, của KH&CN...
- Xu thế và các yếu tố cấu thành nên cuộc CMCN4.
- Ứng phó của Chính phủ trước những cơ hội, thách thức mà cuộc CMCN4 đưa ra.
- Những cảnh báo về lạc hậu công nghệ sản xuất trong xu thế cuộc CMCN4 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và phạm vi rộng khắp như hiện nay trên thế giới.
Để không bỏ lỡ cơ hội và vượt qua những thách thức do cuộc CMCN4 đem lại, các ý kiến đều thống nhất phải tăng cường nhận thức về cuộc CMCN4, tiến hành một loạt các giải pháp đồng bộ theo từng giai đoạn phù hợp.
Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, TS. Hoàng Xuân Long một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm hiểu và nhận thức về cuộc CMCN4 đối với cán bộ nghiên cứu trong Viện, nhằm chủ động bắt kịp với xu thế của thời đại./.
Nguồn:Quang Hà, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN