Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng protein trong chăn nuôi gia cầm bằng axit amin tổng hợp
21/02/2025
19 Lượt xem
Thức ăn gia cầm được phối trộn từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau với thành phần các axit amin (AA) khác nhau. Do đó, để tạo ra một khẩu phần có đầy đủ các AA với hàm lượng chính xác với nhu cầu của gia cầm là rất khó khăn. Trong nhiều năm qua, thức ăn gia cầm được phối trộn dựa trên nền tảng của protein thô và một số AA thường có hàm lượng cao hơn với nhu cầu vật nuôi để đảm bảo khả năng tăng trưởng tối ưu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, khi giá các loại nguyên liệu cung cấp protein ngày càng tăng cao và áp lực giảm khí thải từ chăn nuôi, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải sử dụng nguồn protein cho gia cầm hiệu quả hơn.
Sử dụng AA tổng hợp là công cụ hữu hiệu để giảm hàm lượng protein trong khẩu phần ăn của gia cầm. Ngày nay, ngày càng nhiều các AA tổng hợp được sản xuất với giá thành cạnh tranh do có những đổi mới về công nghệ sản xuất. Việc bổ sung AA công nghiệp có thể giảm đến 50% lượng đậu tương khô cần sử dụng và 20% lượng protein thô trong khẩu phần. Các nghiên cứu đã tiến hành trước đây chủ yếu thử nghiệm trên đối tương gà cao sản có nhu cầu dinh dưỡng cao và các AA được bổ sung dưới dạng tổng số hoặc tiêu hóa tổng số. Tỉ lệ tiêu hóa của AA dạng tiêu hóa hồi tràng tiêu chuẩn SID được coi là dữ liệu chính xác để đánh giá tính khả dụng sinh học của AA do loại bỏ được ảnh hưởng của vi sinh vật lên men protein trong ruột già và lượng AA nội sinh. Bởi vậy, việc phối hợp khẩu phần trên cơ sở các AA dạng SID giúp tối đa hóa hiệu quả sử dụng protein.
Trước tình hình thực tế trên, ThS Ninh Thị Huyền, Bộ môn Dinh dưỡng và Thức ăn chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc giảm hàm lượng protein thô (CP) có bổ sung các axit amin thiết yếu dạng tiêu hóa hồi tràng tiêu chuẩn (SID-EAA) đến năng suất sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và chất lượng thịt của gà Lương Phương nuôi thịt.
Thí nghiệm được thiết kế theo phương pháp ngẫu nhiên hoàn toàn một nhân tố với 5 nghiệm thức (NT) tướng ứng với 5 mức CP với các mức giảm từ 1-4% so với khẩu phần đối chứng (NT1). Tổng số 750 con gà, 150 con/NT nuôi trong 5 ô chuồng (lặp lại).
Kết quả cho thấy giảm mức CP trong khẩu phần làm giảm tốc độ sinh trưởng của gà (P < 0,05), không làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ thức ăn nhưng làm tăng hệ số chuyển hóa thức ăn của gà thí nghiệm (P < 0,05). Giảm đến 2% mức protein thô trên cơ sở cân đối SID-EAA trong khẩu phần đã không ảnh hưởng đến khối lượng cơ thể, tăng khối lượng hàng ngày và hệ số chuyển hoá thức ăn của gà Lương Phượng nuôi thịt ở các giai đoạn sinh trưởng. Giảm ở mức 2% protein thô trong khẩu phần ăn có mức chi phí thức ăn/kg tăng khối thấp nhất (29.543 đ/kg), thức ăn 539 đ/kg, tương đương 1,79% so với nghiệm thức đối chứng. Giảm ở mức 4% protein thô đã làm giảm tỉ lệ thịt lườn, làm tăng pH 24h và tăng độ dai của thịt lườn của gà. Có thể thấy, ở mức giảm 1 và 2%, sự sai khác về cả tốc tộ sinh trưởng và hệ số chuyển hoá thức ăn không rõ rệt so với NT1. Mức giảm CP khẩu phần thích hợp có bổ sung các SID-EAA trên gà Lương Phượng là dưới 2%.