Tôn vinh các nhà khoa học tại Lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2020
19/05/2020
183 Lượt xem
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ KH&CN tổ chức hằng năm, là sự ghi nhận và tôn vinh đối với các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Từ năm 2014 đến nay, 14 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 3 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 270 hồ sơ đăng ký tham dự.
Năm 2020, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao tặng cho 3 nhà khoa học thuộc các ngành Khoa học Y Dược, Toán học và Vật lý. Đây cũng là năm thứ 2, một nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhà khoa học đoạt giải thưởng được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng theo Quy định.
Theo đó, Giải thưởng chính gồm: PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (Ngành Khoa học Y Dược), với công trình khoa học: Lan N. Vuong, Vinh Q. Dang, Tuong M. Ho, Bao G. Huynh, Duc T. Ha, Toan D. Pham, Linh K. Nguyen, Robert J. Norman and Ben W. Mol, 2018. IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries. The New England Journal of Medicine, 378(2): 137-147. Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên 782 phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), so sánh tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi. Kết quả cho thấy chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương chuyển phôi tươi, do đó, có thể thực hiện đông lạnh phôi để giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giảm biến chứng đa thai của thụ tinh trong ống nghiệm.
PGS.TS. Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt (ngành Toán học), với công trình khoa học: Gue Myung Lee and Tien Son Pham, 2017. Generic properties for semialgebraic programs. SIAM Journal on Optimization, Vol. 27, No. 3, 2061–2084. Công trình nghiên cứu một vấn đề cơ bản của toán học và ứng dụng của nó, đó là bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số. Đây là bài toán “NP-khó” và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học. Dựa trên một vài ý tưởng của Lý thuyết kỳ dị và sử dụng các công cụ của Hình học nửa đại số, công trình chỉ ra tính tổng quát của các bài toán tối ưu nửa đại số.
Giải thưởng trẻ: TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ngành Vật lý), với công trình khoa học: Nguyen Truong Thanh Hieu, 2016. Low-energy electron inelastic mean free path in materials. Applied Physics Letters, Vol. 108, 172901.Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất một phương pháp tổng quát nhằm xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Tác giả cho thấy rằng quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử có thể được xác định trong hệ hình thức điện môi với độ chính xác tương đương với các tính toán nguyên lý đầu sử dụng phép xấp xỉ GW trong lý thuyết hệ nhiều hạt. Đồng thời, phương pháp được đề xuất là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng (một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh).
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng ngành khoa học, các nhà khoa học được tôn vinh đã có những nghiên cứu xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua. Khi đất nước đứng trước những thách thức, khoa học công nghệ đã chứng minh vai trò quan trọng trên tuyến đầu.
"Trước hết, tôi xin chúc mừng các nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Tôi cũng gửi lời chúc mừng ngành khoa học và công nghệ trong năm qua đã luôn nỗ lực, kế thừa những kết quả đã đạt được, tiếp tục tạo nên những kết quả mới đáng mừng trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. Đồng thời, tôi cũng xin gửi lời chúc mừng các nhà khoa học, các đơn vị đã có những đóng góp rất cụ thể, thiết thực vào công cuộc chống đại dịch COVID-19 vừa qua.
Trong đó, có những kết quả nổi bật như số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín của thế giới tăng cao, số lượng các sáng kiến hữu ích để góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ngày càng nhiều. Ngành khoa học và công nghệ cũng đã có nhiều đóng góp để xây dựng, hình thành những đề xuất, kiến nghị đưa vào dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc tới đây", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh: Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ luôn nỗ lực bám sát yêu cầu của mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và người dân. Trong đợt toàn dân phòng chống dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch, ngành khoa học và công nghệ đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng chống dịch theo phương châm “chống dịch như chống giặc” và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận như việc sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2. Các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam cũng đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn về virus này, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, kháng thể đơn dòng và vắc-xin.