Trao giải thưởng ASPIRE 2017 cho tiến sĩ nghiên cứu về 'vật liệu carbon mới'
12/05/2017
117 Lượt xem
Tối ngày 11/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Khoa học APEC về Đổi mới, Nghiên cứu và Giáo dục (ASPIRE 2017). Lễ trao giải do Bộ KH&CN phối hợp với Ban Tổ chức ASPIRE thực hiện. Tham dự buổi lễ còn có bà Susan Sutton - Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - cùng nhà tài trợ cho giải thưởng là hai nhà xuất bản Wiley và Elsevier, cùng đại diện các nền kinh tế thành viên APEC.
Giải thưởng ASPIRE là giải thưởng hàng năm nhằm công nhận các nhà khoa học trẻ có các công trình, ấn phẩm nghiên cứu khoa học xuất sắc, đồng thời có các hoạt động hợp tác với các nhà khoa học từ các nền kinh tế thành viên APEC khác.
Giải thưởng ASPIRE nhằm tăng cường mạng lưới khoa học vàcông nghệquốc tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các cơ hội thương mại và đầu tư trong sự hài hòa với phát triển bền vững, thông qua các chính sách, đổi mới nghiên cứu và công nghệ, và chia sẻ tri thức; thúc đẩy mối liên kết giữa nghiên cứu và đổi mới.
Mỗi nền kinh tế thành viên xem xét đề cử một nhà khoa học trẻ (công dân của nền kinh tế APEC) với độ tuổi dưới 40. Các ứng cử viên phải có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, có hoạt động hợp tác với các nhà khoa học từ các nền kinh tế thành viên APEC khác, và có tác động ảnh hưởng đến các nền kinh tế APEC thông qua việc nghiên cứu, thương mại kết quả nghiên cứu, đổi mới thị trường liên quan đến chủ đề. Các nền kinh tế APEC sẽ đưa ra biểu lựa chọn ứng viên để Ban Tổ chức tổng hợp, và đưa ra kết quả ứng viên được lựa chọn nhiều nhất.
Về chủ đề Giải thưởng thì mỗi năm nền kinh tế đăng cai APEC sẽ chọn và đưa ra một chủ đề để các nền kinh tế thành viên đề cử các ứng viên phù hợp với chủ đề được lựa chọn tham gia giải thưởng ASPIRE. Các chủ đề ASPIRE trong thời gian qua bao gồm: Năm 2011 - Hoa Kỳ - “Tăng trưởng xanh”; Năm 2012 - Nga -“Đổi mới Y tế”; Năm 2013 - Indonesia -“Phát triển biển bền vững”; Năm 2014 - Trung Quốc -“Giao thông thông minh”; Năm 2015 - Philippines - “Giảm rủi ro thiên tai: nhận thức vai trò của biến đổi khí hậu và sự đa dạng”; Năm 2016 - Peru –“Công nghệ trongan ninhlương thực”.
Trên cơ sở nội dung hướng chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” trong Năm APEC Việt Nam 2017, “Thúc đẩy nội hàm đổi mới khoa học và công nghệ”, chủ đề “Công nghệ vật liệu mới” đã được lựa chọn cho Giải thưởng ASPIRE 2017.
Năm 2017 là năm thứ 7 Giải thưởng ASPIRE được tổ chức, với 17 ứng viên của các nền kinh tế thành viên APEC. Đây là con số ứng viên tham gia Giải thưởng ASPIRE nhiều nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới như vật liệu y sinh, pin năng lượng hữu cơ, nano medicine...
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cho biết, trên thực tế, việc phát triển và sử dụng các vật liệu mới có đặc điểm và tính năng được cải tiến là yêu cầu quan trọng để cung cấp các giải pháp đáp ứng những thách thức công nghệ kỹ thuật hiện đại trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0). Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ vật liệu mới đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực nghiên cứu và kết nối giữa các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.
"Có thể nói là năm nay là năm ASPIRE thành công với sự đề cử của 17 nền kinh tế thành viên. Các ứng viên đều có những nỗ lực tuyệt vời, tri thức và sự cống hiến cho khoa học và đổi mới. Tôi tin rằng, thông qua chủ đề ASPIRE 2017 "Công nghệ Vật liệu mới", các nhà khoa học trẻ APEC sẽ có cơ hội tốt để thể hiện công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc về vật liệu mới cũng như thúc đẩy hợp tác với các nhà khoa học trong khu vực APEC" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.Ứng viên đạt giải ASPRE 2017 là TS. Yanwu Zhu, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc với lĩnh vực nghiên cứu chính về “Vật liệu carbon mới”. Hai nhà xuất bản Wiley và Elsevier sẽ tài trợ khoản tiền thưởng 25.000 USD cho ông.
Tiến sỹ Yanwu Zhu cho biết, lĩnh vực nghiên cứu của ông - vật liệu carbon mới - sẽ giúp các nguyên vật liệu được rẻ, tiết kiệm và hiệu quả hơn; đặc biệt là các nước đang phát triển cũng có thể sử dụng vào việc cải thiện hệ thống hạ tầng. Đây cũng là nghiên cứu thân thiện với môi trường và định hướng cho một sự phát triển bền vững.