Trí tuệ nhân tạo: Chìa khóa nâng cao hiệu suất và cạnh tranh doanh nghiệp
14/03/2025
16 Lượt xem
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí và nâng cao năng suất.
Xu hướng và tiềm năng của AI trong bối cảnh kinh tế toàn cầu
Theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), báo cáo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm ở mức 2,7% và lạm phát giảm xuống còn 2,9% trong năm 2025. Đồng thời, thương mại toàn cầu dự báo sẽ giảm nhẹ, còn 3,2%. Đối với Việt Nam, GDP vẫn duy trì đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu tăng 14,3%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, đầu tư công được thúc đẩy và chỉ số VN-Index phục hồi 12,2% trong năm 2023. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cảnh báo rằng các doanh nghiệp vẫn đối mặt với không ít thách thức như biến động thương mại, rủi ro tài chính, an ninh mạng và tác động của biến đổi khí hậu.
AI là yếu tố then chốt nâng cao năng suất chất lượng. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược AI dài hạn, quản trị dữ liệu chặt chẽ và phát triển đội ngũ nhân lực có năng lực khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Ông dẫn chứng báo cáo của McKinsey - công ty tư vấn quản trị toàn cầu năm 2024 cho thấy 65% lao động toàn cầu đã ứng dụng AI tạo sinh (Generative AI) vào công việc, nhưng chỉ có 15% doanh nghiệp ghi nhận được lợi nhuận rõ rệt từ công nghệ này. Các lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến nhất bao gồm tiếp thị (54%), công nghệ (39%) và tài chính (16%).
“AI không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố quyết định hiệu suất doanh nghiệp,” TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Song song với đó, TS Nguyễn Việt Long – chuyên ngành Quản lý Công nghệ và Kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết AI đang định hình lại doanh nghiệp hiện đại. Theo ông, tỷ lệ ứng dụng AI trên toàn cầu đã tăng 31% so với năm trước, giúp các doanh nghiệp giảm 21-30% chi phí nhờ vào tự động hóa các quy trình sản xuất và quản trị. AI không chỉ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, đòi hỏi nhân sự phải phát triển các kỹ năng chuyên môn và tư duy chiến lược, mà còn góp phần cải thiện lợi nhuận đầu tư (ROI), tối ưu hóa dòng tiền và tăng cường khả năng quản trị rủi ro tài chính.
Những số liệu này cho thấy AI đang mở ra một kỷ nguyên mới trong quản trị doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh, khi mà sự kết hợp giữa con người và công nghệ số giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Việc áp dụng AI không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quá trình ra quyết định, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh linh hoạt, minh bạch và bền vững.
Chiến lược ứng dụng AI tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Để tận dụng tối đa lợi ích từ AI, các chuyên gia đồng thuận rằng doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi số một cách toàn diện. Ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc MISA cho biết AI đã trở thành công cụ cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp hiện đại. Theo ông, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI vào quản trị đã tăng từ 33% năm 2022 lên 72% năm 2024 (theo số liệu từ IBM, Forbes, McKinsey). Công nghệ AI đang hỗ trợ mạnh mẽ trong các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng (56%), an ninh mạng (51%), quản lý quan hệ khách hàng (42%) và sản xuất nội dung (40%). Các doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu thông minh để ra quyết định có thể tăng khả năng thu hút khách hàng cao hơn 23 lần so với các doanh nghiệp truyền thống.
Ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh: “Nếu không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ, chúng ta không chỉ tụt hậu mà còn có nguy cơ bị đào thải khỏi cuộc chơi đầy cạnh tranh này.” Trên nền tảng đó, ông đề xuất rằng doanh nghiệp cần thay đổi không chỉ về công nghệ mà còn về tư duy quản trị và chiến lược phát triển dài hạn. Việc ứng dụng AI một cách có hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất vận hành, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số với nền tảng điện toán đám mây tích hợp AI.
Ngoài ra, theo ông Quang, việc ứng dụng AI còn giúp tăng năng suất chăm sóc khách hàng lên tới 1,71 lần nhờ giảm số lượng nhân sự cần thiết trong các quy trình hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc tối ưu hóa chi phí, tự động hoá kế toán và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh hơn. Hiện nay, ông chia sẻ đã có 5.000 doanh nghiệp được cấp hạn mức vốn vay 20.000 tỷ đồng thông qua nền tảng AI của MISA, với tỷ lệ giải ngân thành công cao gấp 4 lần so với phương thức thông thường. “Trong năm 2025, MISA dự kiến triển khai AI Agent, một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự động nhằm tăng năng suất và giảm chi phí vận hành đáng kể,” ông Quang nói.
Không chỉ đến từ phía doanh nghiệp công nghệ, bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cũng khẳng định sự kết hợp giữa giải pháp thanh toán của Visa và nền tảng quản lý doanh nghiệp AI sẽ là công cụ toàn diện giúp doanh nghiệp đón đầu những thay đổi trong bối cảnh thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và tăng cường tính minh bạch trong chi tiêu. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho thấy sự hội nhập của các giải pháp công nghệ cao vào trong quản trị và vận hành doanh nghiệp hiện nay.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không đơn thuần là việc áp dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một mô hình sản xuất mới, kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, chưa ứng dụng hiệu quả AI vào hoạt động. Ông Trương Quốc Hùng – Tổng giám đốc và Nhà sáng lập VinBrain – VinGroup cho biết: “Thách thức quan trọng nhất là họ đang ngần ngại về rủi ro mất thông tin bảo mật, và sự tiếp cận công nghệ của họ vẫn còn mang tính chất chung chung. Để đạt hiệu quả cao hơn, cần áp dụng AI thiết kế riêng cho ngành của mình.”
Theo ông Trần Đăng Nam – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng chia sẻ: “Ngoài việc gắn kết và nâng tầm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại tạo ra nhiều công ăn việc làm giá trị cho doanh nghiệp, còn cần đào tạo cho doanh nhân Thủ đô phát triển bản thân mạnh mẽ hơn nữa. Hội chúng tôi có một ban công nghệ và đào tạo tập trung nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm trong chuyển đổi số.”
Nhìn chung, trí tuệ nhân tạo đang định hình lại cách thức hoạt động của doanh nghiệp hiện đại. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích nghi và tích hợp AI vào mọi quy trình quản trị. Từ đó, họ không chỉ tối ưu hóa được chi phí vận hành mà còn cải thiện được năng suất lao động, tăng cường khả năng quản trị rủi ro và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường quốc tế.
Việc áp dụng AI đúng cách đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược, quản trị dữ liệu và đào tạo nhân lực. Các doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa, không chỉ dựa vào các công nghệ hiện đại mà còn phải chuyển đổi tư duy quản trị truyền thống, hướng tới mô hình ra quyết định dựa trên dữ liệu và tự động hóa quy trình. Chỉ khi đó, họ mới có thể khai thác hết tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo mang lại và tạo ra những giá trị kinh tế lâu dài.