Triển khai trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
17/02/2025
8 Lượt xem
Trong khuôn khổ chương trình "Phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030", nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã triển khai mô hình trồng rau cần tây, rau quế vị, húng quế, húng cây, rau tía tô và kinh giới trên hệ thống thủy canh hoàn lưu (tại Hợp tác xã rau sạch Củ Chi); mô hình đối chứng - trồng rau cần tây, rau quế vị, húng quế, húng cây, rau tía tô và kinh giới trên giá thể trong nhà màng (tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao).
Hệ thống thủy canh hoàn lưu được phân chia thành 6 hệ thống máng thủy canh cho rau cần tây, rau quế vị, húng quế, húng cây, rau tía tô và kinh giới, trồng 2 vụ. Mỗi loại trồng với diện tích 200m2. Kết quả cho thấy năng suất thực thu (kg/100m2) vụ 1 ở mô hình thực hiện lần lượt là: rau cần tây 607,6 kg, rau húng quế 297,9 kg, rau quế vị 298,9 kg, rau húng cây 241,6 kg, rau tía tô 360,0 kg, rau kinh giới 351,2 kg (cao hơn năng suất thực thu ở mô hình đối chứng 16 - 18%). Doanh thu ở mô hình thực hiện đạt 18.779.100 đồng/vụ gấp 1,45 lần mô hình đối chứng (12.937.860 đồng/vụ).
Về hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng tính trong 1 vụ trồng 6 loại rau (100 m2/loại), lợi nhuận đạt được của mô hình thực hiện là 5.136.274 đồng/vụ, cao gấp 3,17 lần mô hình đối chứng (1.621.899 đồng/vụ). Tỷ suất lợi nhuận của mô hình thực hiện là 0,38 gấp 2,63 lần mô hình đối chứng (0,14).
Mô hình trồng rau gia vị ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng cho năng suất rau thu hoạch cao hơn mô hình đối chứng 15%, năng suất thương phẩm đạt 98 - 99% năng suất thu hoạch; giúp tạo ra các loại rau gia vị an toàn đạt chuẩn TCVN 5942:1995. Mô hình áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích. Với mô hình này, phân bón được cung cấp theo hệ thống tưới giúp cây trồng dễ hấp thu, kiểm soát được dinh dưỡng nên sản phẩm không bị dư lượng nitrat, kim loại nặng, vi sinh vật gây hại, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế rửa trôi phân bón,…
Mô hình có thể tiếp tục nhân rộng để người dân tiếp cận được quy trình sản xuất rau ăn lá thủy canh trong nhà màng, nhằm góp phần cung cấp sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo định hướng của thành phố, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.