Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng tới
29/10/2019
117 Lượt xem
Từ ngày 1/11/2019, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam trực thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chính thức đi vào hoạt động theo quyết định số 1671/QĐ-BTTT.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Cybersecurity mergency Response Teams/Coordination Center (VNCERT/CC), trụ sở chính đặt tại Hà Nội và các chi nhánh tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Trung tâm Kiểm định an toàn thông tin (ISEC), do đó được kế thừa các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của hai cơ sở hợp phần theo quy định.
Đây sẽ là đầu mối kỹ thuật điều phối ứng cứu sự cố an toàn không gian mạng và kiểm định an toàn thông tin trên phạm vi toàn quốc.
Trung tâm chịu trách nhiệm quản lý, vận hành các hệ thống số liệu, cơ sở dữ liệu, hệ thống kỹ thuật về điều phối ứng cứu sự cố; kiểm định và phòng, chống thư điện tử rác, tin nhắn rác, phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin.
Trung tâm còn là đầu mối hợp tác với các cơ quan, tổ chức có chức năng ứng cứu sự cố và kiểm định an toàn thông tin; đồng thời tham gia vào các hoạt động diễn tập, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hay tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thông tin…
Hiện nay, tấn công mạng ngày càng thay đổi nhanh chóng, với những thủ đoạn tấn công mới, tinh vi hơn, quy mô lớn hơn. Từ đầu năm đến tháng 7/2019, trung tâm VNCERT ghi nhận 6.219 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam, trong đó có: 2.155 sự cố tấn công lừa đảo (Phishing); 3.824 trường hợp sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface); và 240 sự cố website bị nhiễm mã độc (Malware). So với cùng kỳ năm ngoái, tổng số sự cố tấn công tăng 104%.
Bất kỳ một sự cố nào khi không được xử lý ngay có thể trở thành một vấn đề lớn trong an ninh mạng và cuối cùng có thể dẫn tới sự phá hủy dữ liệu hoặc làm sụp đổ hệ thống. Hiện nay các thách thức mà những trung tâp ứng cứu khẩn cấp ở Việt Nam đang gặp phải không chỉ là công nghệ, cơ sở vật chất mà còn cả số lượng, chất lượng nguồn nhân lực.