Xe ô tô có thể sử dụng động cơ điện nếu chẳng may hết xăng, và ngược lại, có thể dùng động cơ xăng để tiếp tục hành trình nếu ắc quy hết điện.
Đó là tính độc đáo của đề tài nghiên cứu thiết kế và chế tạo mẫu xe ô tô cỡ nhỏ, sử dụng kết hợp động cơ điện và động cơ xăng do ThS Nguyễn Phước Vĩnh Nguyên (trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên TP Huế, Thừa Thiên – Huế) thực hiện, vừa đoạt giải Khuyến khích của hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thừa Thiên – Huế năm 2017.
Thầy giáo bên chiếc xe của mình tự sản xuất. Ảnh: Tuấn Nguyễn
ThS Nguyên cho biết, từ lâu, anh đã mong muốn có một dạng xe ô tô sử dụng động cơ điện, nhưng khi ắc quy hết điện vẫn có thể tiếp tục hành trình khi chuyển sang làm việc với động cơ xăng. Do đó, từ đầu năm 2015, tôi bắt tay vào nghiên cứu, và sau hơn mười tháng kiên trì nghiên cứu và thiết kế, anh đã chế tạo được xe ô tô cỡ nhỏ có bốn bánh, bốn chỗ ngồi với khối lượng khoảng 700kg (tính cả người và hàng hoá). Nhiều chi tiết máy trong hệ thống được tận dụng từ hai xe máy cũ hay mua lẻ trên thị trường.
“Với chiếc xe khi dùng động cơ điện thì động cơ xăng đứng yên, còn khi sử dụng động cơ xăng thì động cơ điện đứng yên, tôi đã chạy thử 5km, tải trọng trung bình, với tốc độ từ thấp lên cao, chi phí cho phần năng lượng khi xe chạy bằng động cơ điện là 35.000 đồng/100km và chạy bằng động cơ xăng là 56.000 đồng/100km (tương đương 3,5 lít xăng/100km). Kết quả là ô tô hoạt động ổn định, tốc độ được thay đổi một cách êm dịu và đạt tối đa 40km/h; hệ thống truyền lực và di động làm việc bình thường; hệ thống lái hoạt động ổn định; các cơ cấu khác trong xe hoạt động ổn định, chắc chắn” - anh Nguyên chia sẻ.
Qua tính toán, anh Nguyên cho biết thêm, loại xe sử dụng động cơ điện và động cơ xăng có giá thành bằng 1/6 lần xe ô tô điện hiện đang chạy trên thị trường tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Mẫu xe giúp tiết kiệm chi phí, ít gây tiếng ồn, ít gây ô nhiễm môi trường và thời gian sử dụng nhiều hơn, qua đó đi xa hơn mà không lo hết xăng hay hết điện; công suất động cơ nhỏ nên tiền nhiên liệu ít hơn so với xe ô tô thông thường”, anh Nguyên tiết lộ.
Dự định, sắp tới anh sẽ tìm cách để khắc phục những điểm hạn chế của thiết bị, như khi tăng giảm tốc hoặc chạy tốc độ cao xuất hiện tiếng kêu nhỏ; tốc độ của xe chỉ đạt tối đa 40km/h… Hiện nay, anh Nguyên vẫn dùng chiếc xe do mình tạo ra để đi lại rất thuận tiện.