Tư duy kết nối là bài học đầu tiên của người khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
18/04/2018
88 Lượt xem
Hãy tư duy về kết nối bằng việc bản thân có thể giúp gì cho người khác thay vì suy nghĩ, kết nối với mọi người mình sẽ được gì.
Sinh viên được tham gia các trò chơi để phát triển các kỹ năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Ảnh: Hà Thế An.
Một trong những kỹ năng được học đầu tiên trong khóa học Lean startup (khởi nghiệp tinh gọn) được các giảng viên truyền đạt cho sinh viên trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM chính là việc kết nối.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng, chuyên gia đổi mới sáng tạo, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM, văn hóa của người Việt đang hạn chế trong việc kết nối và chia sẻ với người khác.
“Trong buổi học đầu tiên, tôi luôn hỏi các sinh viên đã làm quen với bạn nào chưa. Hầu như không có em nào giơ tay. Ngay sau đó, tôi dành ra 3 phút để cho các em sinh viên làm quen nhau” - TS Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ thêm, một trong những kỹ năng đầu tiên của người khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đó là tính kết nối.
“Chúng tôi muốn giúp các em hiểu rằng tư duy kết nối được biểu hiện bằng việc nghĩ rằng bản thân có thể giúp gì được cho người khác thay vì nghĩ rằng kết nối với người khác mình sẽ được gì.
Việc giúp các em sinh viên kết nối và làm quen với nhau chính là nền móng để thay đổi tư duy thông thường thành tư duy của những người khởi nghiệp” - TS Dũng chia sẻ.
Ngoài kỹ năng về kết nối, sinh viên khi tham gia khóa học sẽ được truyền thụ các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chương trình như: khái niệm startup, các loại và mức độ của đổi mới sáng tạo, cách phát triển ý tưởng sáng tạo, phương pháp 5WHY, ma trận 2x2 (Dump&Sord), kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh,…
Theo Th.s Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM, mục đích của chương trình đào tạo là truyền thụ những kiến thức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.
Những kiến thức này đã được thiết kế thành những bộ công cụ cụ thể. Lượng kiến thức sẽ được tiếp cận với sinh viên bằng những hoạt động, trò chơi về đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi không kỳ vọng các sinh viên tham gia khóa học sau này sẽ đi khởi nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi tư duy truyền thống bằng tư duy sáng tạo khi học chương trình này. Điều này sẽ rất có giá trị với các em trong việc học tập cũng như làm việc sau này”- Th.s Sơn chia sẻ.
Bạn Nguyễn Đặng Thái Ngọc, sinh viên năm 2 trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM chia sẻ, tham gia khóa học không phải để sau này tạo lập một doanh nghiệp lớn mà là để thay đổi tư duy bản thân.
“Như vấn đề kết nối và giảng viên nêu ra, hầu như trước đó mình chưa thật sự sẵn sàng trong việc chủ động kết nối với tâm thế giúp đỡ người khác. Lớp học quả thật mang lại nhiều giá trị cho bản thân về những kiến thức và kỹ năng trong hoạt động đổi mới sáng tạo”- Ngọc nói.
Khóa đào tạo Lean startup lần thứ 3 do trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức liên tục trong các buổi tối từ ngày 16 đến 27/04. Đến nay, trường đã có khoảng gần 100 sinh viên tham gia và được cấp giấy chứng nhận. Trước đó, toàn bộ Ban giám hiệu, các trưởng khoa, giảng viên, cán bộ chủ chốt của nhà trường đã được cấp chứng chỉ khóa đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức.