Ứng dụng AI trong chuyển đổi số doanh nghiệp một cách an toàn
28/11/2023
34 Lượt xem
Chỉ số sẵn sàng AI của các doanh nghiệp Việt còn thấp, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đã chuẩn bị những chiến lược nhằm "tận dụng" AI một cách an toàn, tiết kiệm chi phí, sản xuất kinh doanh nhất có thể.
Chỉ số sẵn sàng AI của các doanh nghiệp Việt
Chỉ số sẵn sàng AI (AI Readiness Index) vừa được Cisco công bố cho thị trường Việt Nam đã đưa ra những thông tin đáng chú ý về mức độ sẵn sàng và áp dụng AI trong các doanh nghiệp. Dữ liệu chỉ ra rằng chỉ 27% doanh nghiệp ở Việt Nam được đánh giá là hoàn toàn sẵn sàng triển khai và áp dụng công nghệ AI vào chuyển đổi số.
Chỉ số Sẵn sàng AI của Cisco được xây dựng trên cơ sở cuộc khảo sát double-blind với 8.161 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân và công nghệ thông tin (CNTT) trên 30 thị trường. Dữ liệu này thể hiện sự chuẩn bị của các tổ chức trước một biến đổi đột phá từ AI, với 87% tổ chức được phân loại là Pacesetters hoặc Chasers, tức là đã chuẩn bị ở mức độ trung bình.
Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù 92% người tham gia khảo sát nhận thức về ảnh hưởng lớn của AI đối với hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn có nhiều thách thức. Cụ thể, 68% người tham gia khảo sát gặp khó khăn trong việc tận dụng AI trên dữ liệu, đặt ra vấn đề về quản lý và sử dụng dữ liệu trong tổ chức, doanh nghiệp.
Mặc dù tỷ lệ sẵn sàng còn thấp, tuy nhiên vẫn có những tín hiệu tích cực khi 99% tổ chức ở Việt Nam đang có chiến lược rõ ràng để triển khai hoặc đang lên kế hoạch phát triển AI. Hơn 8/10 tổ chức được phân loại là Pacesetters (chuẩn bị đầy đủ) hoặc Chasers (đã chuẩn bị/chuẩn bị ở mức độ trung bình), chỉ có 2% thuộc phân loại Laggards (không chuẩn bị).
Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo cấp cao và nhà quản lý CNTT tại Việt Nam đã chú ý đến việc áp dụng AI. 99% người được hỏi cho biết mức độ cấp thiết phải triển khai công nghệ AI trong tổ chức của họ đã tăng lên trong 6 tháng qua, trong đó cơ sở hạ tầng CNTT và an ninh mạng được cho là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để triển khai AI.
Ảnh minh hoạ
Doanh nghiệp ứng dụng và kiểm soát AI
Những ứng dụng của AI trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp là rất lớn. Theo bà Jenny Nguyễn, Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ, AI đang đem lại những tiện ích đáng kể cho doanh nghiệp trong việc sản xuất nội dung và tổ chức các hoạt động kinh doanh. Trước đây, việc tạo video cho mạng xã hội có thể tốn kém hàng triệu đồng, nhưng nay, với sự hỗ trợ của AI, chi phí biên tập chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng. Các công cụ như Voice AI, Chat GPT giúp tạo ra nội dung âm thanh và kịch bản một cách nhanh chóng.
Doanh nghiệp cũng đạt được sự tiết kiệm chi phí đáng kể trong việc thiết kế hình ảnh. Thay vì phải thuê nhân sự thiết kế, công cụ AI cho phép đưa ảnh vào và chỉ với một câu lệnh, việc thiết kế được hoàn thành trong vài giây. Cả trong tổ chức sự kiện, AI giúp nhanh chóng lên kịch bản và khung chương trình chỉ trong 30 phút, giảm thiểu công sức và thời gian tổ chức. Trong lĩnh vực marketing, việc thuê nhân sự viết nội dung có thể tốn kém từ 5-15 triệu đồng. Tuy nhiên, ứng dụng AI giúp doanh nghiệp giảm chi phí đáng kể, đồng thời tăng cường chất lượng nội dung. Các công cụ AI cung cấp sự đa dạng, từ Chat GPT, Google Bard đến Misumi và nhiều công cụ khác, hỗ trợ sáng tạo nội dung và thiết kế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Trang, Giám đốc Công ty TNHH Time Group chia sẻ, xu hướng tiếp theo của nền kinh tế là ứng dụng các công nghệ mới như Blockchain và AI trong doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh. Trên thế giới, các công ty, tập đoàn hàng đầu đều đã ứng dụng. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Nếu chậm chân sẽ là thảm họa.
Tuy nhiên, ông Trang cũng chỉ rõ, việc áp dụng công nghệ AI vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn đầy rẫy khó khăn. Đơn cử, vẫn chưa có đầy đủ các nền tảng cần thiết. Doanh nghiệp muốn biến Chat GPT hoặc phần mềm hỗ trợ thành nhân viên bán hàng thì phải đưa được toàn bộ dữ liệu về sản phẩm của mình cho Chat GPT hiểu thì mới bán được hàng. Thế nhưng hiện vẫn chưa có nền tảng để doanh nghiệp đưa dữ liệu Chat GPT, nói cách khác là muốn ứng dụng cũng chưa được.
Để khắc phục những điểm hạn chế trong thời điểm hiện tại các chuyên gia nhấn mạnh, việc áp dụng AI cần sự thay đổi tư duy và cân nhắc kỹ lưỡng về việc nên sử dụng công cụ nào, vào thời điểm nào, để đảm bảo phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu với các dự án AI quy mô nhỏ, tăng cường hợp tác với chuyên gia và công ty tư vấn về AI. Đồng thời, cần đánh giá mức sẵn sàng, lựa chọn giải pháp AI phù hợp, và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng chuyển đổi số.Chỉ số sẵn sàng AI của Cisco cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ chuẩn bị của các tổ chức ở Việt Nam trong việc áp dụng trí tuệ Nhân tạo. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng những bước tiến tích cực và chiến lược triển khai AI của các doanh nghiệp đang là động lực quan trọng cho sự phát triển của công nghệ này tại Việt Nam.