Tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến TPHCM thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ, ứng dụng KH&CN để giải bài toán giao thông thì rất khó phát triển thành phố thành đô thị xanh và thông minh.
Tại Hội thảo “Ứng dụng KHCN phát triển TPHCM trở thành đô thị xanh và thông minh” do Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức ngày 7/12 tại TPHCM, ông Phạm Xuân Mai, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, cho rằng, trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế các loại phương tiện giao thông truyền thống do có nhiều ưu điểm như không tạo ra khí thải, hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao,… Tuy nhiên, rào cản chính hiện nay của xe điện là khả năng lưu trữ điện thấp, thời gian sạc kéo dài, giá thành còn cao, cơ sở hạ tầng nạp điện chưa phát triển và tâm lý ngại thay đổi thói quen sử dụng ô tô truyền thống của người tiêu dùng. Khi Việt Nam chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn phát thải EURO VI, các doanh nghiệp trong nước cần áp dụng công nghệ cao để khắc phục những hạn chế trên. Đó là ứng dụng vật liệu mới cho các điện cực và chất điện phân rắn, giúp khả năng lưu trữ của ắc-quy tăng lên, đồng thời giảm giá thành sản phẩm. Hay công nghệ nạp ắc-quy nhanh lithium-ion giúp điều chỉnh nhiệt độ ắc-quy trong quá trình sạc.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tư, Công ty Cổ phần KOTOBUKI E&E Việt Nam, thì giới thiệu công nghệ rửa xe tự động của Nhật Bản (tạo bong bóng khí mịn trong nước rửa), góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí. Công nghệ này còn sử dụng phương pháp tuyển nổi để xử lý nước thải sau rửa nhằm tái sử dụng. Đây là những công nghệ Việt Nam có thể học hỏi hoặc chuyển giao để áp dụng.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TPHCM thì nghiên cứu hiện tượng co cụm của xe buýt (do thời gian di chuyển không ổn định, nên các xe buýt chạy trên đường dễ tiến lại gần nhau, gây hiện tượng co cụm). Tình trạng này làm lãng phí năng lực vận chuyển của xe, hành khách phải đợi lâu, gây ùn tắc giao thông, không an toàn cho người đi đường,... Để loại bỏ hiện tượng xe buýt co cụm, nhóm xây dựng mô hình mô phỏng ứng dụng công nghệ GIS, đưa ra thời gian giãn cách các xe buýt hợp lý. Từ đó, hướng dẫn lái xe cho tài xế và nhà điều hành xe buýt quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu hiện tượng co cụm.
PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN, cho biết, tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến TPHCM thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm. Cứ mỗi giờ kẹt xe, Thành phố mất 1,2 tỷ đồng, và 2,3 tỷ đồng do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. “Nếu không có giải pháp mạnh mẽ, ứng dụng KH&CN để giải bài toán giao thông thì rất khó để phát triển thành phố thành đô thị xanh và thông minh”, TS Đà nói.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, phát triển hệ thống xe đạp công cộng, kết hợp với các loại phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn khác là cơ hội để TPHCM cải thiện hệ thống giao thông đô thị theo hướng bền vững, văn minh, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đạp công cộng rất khó triển khai đại trà trong tình trạng giao thông hiện nay ở TPHCM. Vì vậy, chỉ có thể làm thí điểm một số khu vực khép kín (khu công nghệ cao, đại học quốc gia, khu công nghiệp, khu du lịch…) hoặc các đầu mối giao thông công cộng, trạm dừng vài tuyến buýt đường bộ, buýt sông, phố đi bộ,…