Ứng dụng công nghệ khí canh trong nhân giống một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao
12/11/2019
124 Lượt xem
Khí canh (aeroponics): là công nghệ nuôi trồng cây bằng dinh dưỡng tiên tiến nhất trong nền sản xuất hiện đại. Công nghệ này cho phép nhân được nhiều loại cây trồng, chu kỳ nhân giống nhanh (Richard, 1983; Soffer & Burger, 1988). Có thể khắc phục được một số nhược điểm như: có thể trồng được những loại cây có thời gian sinh trưởng dài (trên 3 tháng) và củ giống rất bức thiết của sản xuất khoai tây giống sạch bệnh cũng như một số cây ăn củ, cây ăn quả khác cà chua, dưa...). Nguyên lý của công nghệ này là phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ mà không cần đến sự tham gia của đất. Bộ rễ hoàn toàn nằm trong không khí, chất dinh dưỡng và nước được phun theo chu kỳ lên toàn bộ bộ rễ. Dung dịch thừa được thu lại, lọc, bổ sung để tiếp tục sử dụng. Theo tính toán, áp dụng công nghệ khí canh có thể giảm 90% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật.
Từ năm 2018 đến năm 2019, theo khuôn khổ của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khí canh trong nhân giống và sản xuất thử nghiệm một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc đã thử nghiệm nhân giống bằng công nghệ khí canh một số cây dược liệu như: Giảo cổ lam 5 lá, lan Thạch hộc tía, lan kim tuyến, trà hoa vàng, cây dâu tây và sản xuất trồng thử nghiệm dưa lưới Nhật Bản trong nhà kính 250m2. Qua thử nghiệm nhân giống trong các bồn khí canh, theo dõi, đo đếm các số liệu bước đầu đã cho kết quả, cụ thể:
Cây giảo cổ lam invitro cao 2cm được chuyển ra bồn khí canh, sau 5-7 ngày rễ khí canh mới xuất hiện thay thế các rễ nuôi cấy mô và sau khoảng 10-12 ngày, cành giảo cổ lam có 6-7 đốt thì tiến hành cắt ngọn. Đoạn cành cắt cắm vào bồn khí canh từ 3-5 ngày cành bắt đầu ra rễ, sau 7-10 ngày xuất hiện lá mới và tiếp tục nhân đợt tiếp theo khi các cành xuất hiện 6-7 đốt hoặc chuyển cây ra bầu để triển khai trồng ra đồng ruộng.
Từ tháng 10 dương lịch trong năm khi nhiệt độ môi trường chuyển lạnh, ngoài việc nhân giống trên bồn khí canh có thể tiến hành nuôi dưỡng và thu sinh khối của cây giảo cổ lam.
Cây dâu tây invitro có 5 - 6 lá thật được chuyển ra bồn khí canh, sau 10-15 ngày rễ khí canh mới xuất hiện thay thế các rễ nuôi cấy mô và sau khoảng 40-45 ngày, cây dâu tây ra ngó, khi ngó được 3 lá thật, tiến hành cắt ngó và cắm vào các bồn khí canh, sau cắm ngó từ 3 đến 5 ngày ngó xuất hiện rễ, khi ngó có khoảng 5-6 lá thì ra bầu cây con.
Cây Lan Thạch Hộc Tía invitro có 4-5 lá được chuyển ra bồn khí canh. Sau khi ra bồn khí canh khoảng 20 ngày, cây Lan Thạch Hộc Tía xuất hiện rễ mới, sau 30-35 ngày cây đẻ nhánh mới. Khi nhánh mới có 4-5 lá thì tiến hành tách nhánh ra bồn khí canh khác, tiến hành luyện cây và chăm sóc cây.
Cây Lan Kim Tuyến invitro có 4-5 lá được chuyển ra bồn khí canh. Qua theo dõi thí nghiệm, sau 15 ngày ra cây, cây ổn định và rễ cây bắt đầu phát triển. Sau 30 ngày cây bắt đầu ra rễ mới. Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi sinh trưởng, phát triển và hệ số nhân đối với cây Lan Kim Tuyến.
Cây Trà Hoa vàng: Tiến hành cắt 2 đốt trực tiếp trên cây trà, sau đó cắm vào bồn khí canh. Nhóm nghiên cứu thử 2 phương pháp (có sử dụng thuốc kích thích ra rễ và cắm luôn không chấm thuốc), qua theo dõi, sau khi cắm cành: Cành cây Trà Hoa vàng không chấm thuốc kích thích ra rễ sau 40-45 ngày mới ra rễ, còn cành được chấm thuốc ra rễ sau 30-35 ngày bắt đầu ra rễ và rễ cây ra nhiều, phát triển nhanh hơn. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu chuyển cây ra bầu và theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây ở bầu và khi trồng xuống đất.
Đối với cây dưa lưới Nhật Bản, nhóm nghiên cứu tiến hành gieo hạt và khi cây dưa xuất hiện cành nhánh, tiến hành cắt cành nhánh (2 đốt), sau đó chấm thuốc kích thích ra rễ và cắm vào các bồn khí canh. Qua theo dõi thí nghiệm, sau cắm 7-10 ngày các cành dưa bật mầm mới và sau 10-12 ngày bắt đầu ra rễ và các rễ này phát triển rất nhanh để hấp thu dinh dưỡng trong bồn khí canh.
Sau khi các đốt dưa ra rễ khoảng 5-7 ngày, nhóm nghiên cứu tiến hành ra bầu, bước đầu thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Trong thời gian tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi, đánh giá các thí nghiệm, từ đó đưa ra được các kết luận và xây dựng quy trình nhân giống bằng phương pháp khí canh đối với từng loại cây.