Ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm chè xuất khẩu
26/11/2024
10 Lượt xem
Để chè Việt Nam vươn lên trên thị trường quốc tế, việc áp dụng công nghệ chế biến hiện đại là yếu tố quyết định giúp nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh và khẳng định vị thế trên toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được tiêu thụ tại hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chè Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 70% so với mức giá trung bình toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính và việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu chè thô. Do đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến công nghệ chế biến là vấn đề cấp bách đối với ngành chè Việt Nam.
Phần lớn các cơ sở chế biến chè tại Việt Nam hiện nay vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị thủ công và phương pháp sản xuất truyền thống. Sản phẩm chủ yếu vẫn là chè đen và chè xanh, với tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, không đủ sức cạnh tranh ở các thị trường quốc tế. Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, việc sử dụng phương pháp chế biến cũ sẽ khiến chè Việt khó đáp ứng được yêu cầu của các thị trường cao cấp. Đặc biệt, việc sản xuất chè vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu, nông dân và doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế.
Ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Một giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm là đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, giúp giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát chất lượng tốt hơn. Việc áp dụng công nghệ tự động hóa trong các giai đoạn chế biến như sao chè, sấy khô và đóng gói sẽ giúp kiểm soát nhiệt độ, thời gian xử lý chính xác, từ đó duy trì hương vị và chất lượng đồng đều cho sản phẩm.
Ngoài ra, công nghệ chế biến sâu như sản xuất chè túi lọc, chè hương vị và chè cao cấp như chè ô long đang mở ra cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu và nâng tầm thương hiệu chè Việt Nam. Sự phát triển này giúp chè Việt không chỉ xuất khẩu theo số lượng mà còn theo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Một số tỉnh đã bắt đầu triển khai các mô hình sản xuất chè gắn với cải tiến công nghệ chế biến. Như tại Tuyên Quang, với diện tích trồng chè lên tới 8.588 ha và sản lượng hơn 71.700 tấn/năm, người dân đã trồng nhiều giống chè đặc sản có chất lượng cao như Kim Tuyên, Ngọc Thúy và Phúc Vân Tiên. Các hợp tác xã như Hợp tác xã chè Khe Năm tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên đã áp dụng quy trình VietGAP, giúp sản phẩm đạt chuẩn chất lượng cao và phục vụ xuất khẩu.
Hà Giang cũng là địa phương có diện tích chè lớn với hơn 4.600 ha chè và sản lượng 14.000 tấn chè búp tươi/năm, trong đó có hơn 2.000 ha chè đạt chứng nhận hữu cơ. Các hợp tác xã tại đây đã đầu tư vào máy móc hiện đại, sản xuất chè cao cấp xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Hợp tác xã chè Phìn Hồ, ví dụ, đã thành công trong việc sản xuất các loại chè từ bình dân đến cao cấp, mang lại doanh thu trên 20 tỷ đồng mỗi năm.
Thái Nguyên, với lợi thế thiên nhiên, đã phát triển mạnh mẽ ngành chè nhờ vào các chính sách khuyến công hiệu quả. Các hợp tác xã, như Hợp tác xã Tâm Trà Thái, đã nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng các thiết bị như máy hút chân không và máy đóng gói tự động không chỉ giúp sản phẩm bảo quản lâu hơn mà còn duy trì được hương vị tươi ngon, nâng cao giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên.
Tại Phú Thọ, Hợp tác xã (HTX) Chè Thành Nam, tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất chè an toàn trên diện tích 50ha với 15 hộ dân, đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm. Hai sản phẩm chè của HTX, chè Tôm nõn Thành Nam và chè Hoa Nhài Thành Nam, đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng ba sao. Hiện, sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út và có mặt tại các siêu thị trong nước.
Bà Dương Thị Duyên, Giám đốc HTX, chia sẻ rằng, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng vào máy móc và áp dụng các kỹ thuật canh tác an toàn. Với mô hình này, sản phẩm chè của HTX luôn đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu thụ hết ngay sau khi sản xuất.
Hiện nay, có 57 doanh nghiệp chế biến chè lớn tại địa phương, 100% cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu hoặc hợp đồng liên kết với nông dân. Nhiều cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HCCP, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chè tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, việc nâng cao chất lượng chè xuất khẩu không chỉ dựa vào cải tiến công nghệ mà còn phải xây dựng một chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến chế biến. Liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ sở chế biến là yếu tố quan trọng giúp chè Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, và các quy định về an toàn thực phẩm.
Công nghệ sinh học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lọc và cải thiện giống chè, nâng cao hàm lượng polyphenol và axit amin, qua đó tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng các công nghệ như tự động hóa trong các công đoạn từ thu hoạch, sao chè đến đóng gói sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu sai sót.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 22000, HACCP và các hệ thống quản lý chất lượng toàn diện sẽ giúp chè Việt Nam tiếp cận được những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản, đồng thời khẳng định được vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Việc nâng cao chất lượng chè xuất khẩu không chỉ giúp ngành chè Việt Nam phát triển bền vững mà còn tạo cơ hội để chè Việt Nam vươn lên trở thành một sản phẩm có giá trị cao trên thị trường quốc tế. Cải tiến công nghệ, kết hợp với xây dựng mối liên kết chuỗi giá trị bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt là chìa khóa để chè Việt Nam không còn phải đối mặt với "bẫy giá rẻ", mà có thể phát triển mạnh mẽ và trở thành niềm tự hào của nền nông nghiệp quốc gia.