Về kỹ thuật thâm canh, cây ớt sau khi ươn trong bầu khoảng 30 ngày được 5 - 6 lá thì đem trồng. Đất được cày bừa tơi xốp, sạch cỏ và lên luống đảm bảo thoát nước tốt. Theo kích thước, mặt luống rộng 80cm, chiều cao 20 - 25cm và mương thoát rộng 50cm. Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt, mùa nắng phải tưới nước đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Diễn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, nông dân địa phương triển khai trồng ớt hơn 10 năm nay, trong đó tổng diện ớt thường khoảng 16ha, ớt chỉ thiên là 10ha. Diện tích trồng ớt tập trung ở thôn Dục Tịnh (khoảng 30 hộ) và Phước Lâm (15 hộ). Năng suất bình quân khoảng 300 - 350kg/sào. Từ khi trồng ớt cho tới khi thu hoạch lứa đầu khoảng 2 tháng. Là cây trồng lưu vụ, cây ớt chỉ thiên cho năng suất và sản lượng khá ổn định so với loại cây khác như bắp, đậu phụng.
Ông Ngô Thanh (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng) cho biết, cây ớt chỉ thiên đòi hỏi kỹ thuật cao hơn các cây trồng khác như bắp, đậu phụng, nhất là khâu chăm sóc. Tuy nhiên, cây ớt lại có tính ưu việt hơn, mỗi vụ trồng có thể cho thu hoạch được 6 - 7 lứa ớt kéo dài trong vòng 4 tháng với năng suất mỗi đợt hái khoảng 100 - 120kg/sào. Thời gian thu hoạch cây ớt chỉ thiên cũng kéo dài hơn so với các giống ớt trên địa bàn. Khi cây ớt bắt đầu chín sẽ cho thu hoạch liên tục, thời điểm chín rộ cứ 3 ngày thu hoạch một lần. Giá ớt bán tươi dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg.
Vào tháng 10 - 11 dương lịch mỗi năm, người dân bắt đầu ươn hạt, đem cây con ra trồng, bắt đầu thu hoạch từ tháng 1 - 2 dương lịch, cây có thể trồng được cả 2 vụ. Việc lựa chọn giống rất quan trọng để đảm bảo cây đạt được kết quả tốt nhất. Thường, người trồng ớt chọn các giống ớt chỉ thiên như NS 507, NS 555, NS 508 cho năng suất cao, cây sinh trưởng phát triển mạnh, chống chịu được thời tiết và sâu bệnh hại. Về dịch hại cho cây trồng, cần phòng các bệnh như bọ trĩ, bọ phấn trắng, sâu xanh đục trái, sâu ăn tạp, sâu xanh da láng...