Sau khi giới thiệu khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tại hội nghị thường niên vào năm 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã có một báo cáo về tác động của cuộc cách mạng này lên lao động và nghề nghiệp trong tương lai, The Future of Jobs (Tương lai của việc làm). Báo cáo này dựa trên việc phân tích dữ liệu điều tra từ những lãnh đạo của 371 công ty, tập đoàn lớn trên thế giới về những kì vọng của họ ở nhân viên trong những năm tới. Tia Sáng đã có một cuộc trao đổi với anh Till Leopold, Trưởng dự án của sáng kiến về Giáo dục, giới và hệ thống việc làm của WEF, một trong những tác giả chính của báo cáo này về sự thay đổi kĩ năng của người lao động trong tương lai.
Điều gì khiến anh ngạc nhiên nhất khi tiến hành báo cáo này?
Khi WEF yêu cầu các tập đoàn đưa ra dự đoán về thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi lao động và việc làm trong tương lai, dựa trên ba lựa chọn cho trước là 2020-2030, 2030-2040, 2040-2050, đa số đều lựa chọn phương án đầu tiên và nói rằng họ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch và chiến lược đào tạo để thay đổi nguồn nhân lực của mình.
Hóa ra, tác động của cuộc cách mạng không phải là điều gì mơ hồ hoặc xa xôi mà nó đã xảy ra, dựa trên những gì các công ty hàng đầu thế giới đang chuẩn bị.
Một trong những khám phá quan trọng nhất của báo cáo đó là trung bình 35% kĩ năng cơ bản mà các công ty yêu cầu ở người lao động hôm nay sẽ bị thay đổi vào năm 2020. Nhưng bức tranh điều gì sẽ diễn ra không khiến cho chúng tôi ngạc nhiên bằng thời điểm diễn ra điều đó quá gần và mọi người đều nhận thức quá rõ điều đó.
Báo cáo của anh chỉ ra rằng dưới 50% các lãnh đạo quản lý nhân sự của các công ty tỏ ra tự tin về chiến lược của họ. Vậy thì có tới hơn một nửa không cảm thấy như vậy. Họ có quan điểm nào sai về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lao động và việc làm hay không?
Mọi người thường đánh giá quá cao những tác động xảy ra trong ngắn hạn của cuộc cách mạng lần thứ tư nhưng lại coi thường những tác động xảy ra trong dài hạn. Tôi nghĩ rằng hiện tại, những cuộc tranh luận của chúng ta thường nói về một thời điểm nào đó trong một vài năm nữa, sự bùng nổ của tự động hóa sẽ khiến cho hàng loạt các công việc biến mất. Nhưng đến lúc đó, nếu không có gì xảy ra thì chúng ta sẽ bảo nhau rằng: “ồ, thế thì chắc chẳng bao giờ nó xảy ra đâu”.
Như vậy, thì chúng ta cứ chờ đợi xem liệu chiến lược ngày hôm qua và ngày hôm nay liệu có đủ tốt cho đến một thời điểm bất ngờ tất cả mọi thứ thay đổi hay không. Và nếu thời điểm đó không diễn ra như những gì chúng ta tưởng tượng thì chúng ta cứ theo cách cũ mà làm.
Nhưng tôi nghĩ thay đổi sẽ không ập đến như vậy và thái độ này thật ra rất nguy hiểm. Nó không chỉ ở quy mô doanh nghiệp mà cả quy mô quốc gia nữa.
Ở quy mô doanh nghiệp, nhiều nơi không nghĩ đến đầu tư cho việc đào tạo và nâng cấp kỹ năng, thúc đẩy việc học liên tục của người lao động. Mà con người là tài sản lớn nhất của một tổ chức và nếu họ không được chuẩn bị, sẽ có lúc công ty đối mặt với cú sốc trong tương lai khi các mô hình kinh doanh thay đổi. Điều mà thực ra chúng ta đã nhìn thấy ở nhiều nền công nghiệp rồi.
Ở quy mô quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, các nhà chính trị thường nghĩ rằng họ có thể dựa vào lao động giá rẻ. Nhưng, điều đó không phải là ưu thế cạnh tranh bền vững để phát triển một quốc gia. Sự phát triển công nghệ trên thế giới sẽ nhanh chóng khiến cho lợi thế này biến mất.
Nhiều ý kiến cho rằng, không phải là công nghệ sẽ khiến cho người lao động thất nghiệp mà là do kĩ năng của họ không còn phù hợp nữa, điều đó có đúng không?
Tác động ngay lập tức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc làm chính là sự thay đổi yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp đối với người lao động. Công nghệ mới không chỉ bao gồm robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra tác động mà nhiều công nghệ khác nữa, như Internet của vạn vật mà nhờ đó bạn có thể nhanh chóng phát hiện ra chính xác lỗi trong máy móc, dây chuyền sản xuất và sửa chữa nó theo thời gian thực. Nếu có kĩ năng phù hợp trong việc tương tác với máy móc thì năng suất và hiệu quả công việc của một người sẽ tăng lên rất nhiều.
Công nghệ sẽ lấy đi những công việc có tính lặp lại và tạo điều kiện cho mọi người tập trung vào những công đoạn tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn trong chuỗi sản xuất của mình. Nhưng điều đó chung quy phụ thuộc vào việc họ có kỹ năng phù hợp để làm công đoạn đó không, để tương tác với công nghệ không. Vấn đề ở đây, vì vậy không phải là công nghệ sẽ thay thế con người như nhiều giả thuyết đưa ra mà những cuộc phỏng vấn với chuyên gia của WEF chỉ ra rằng, nguy cơ mất việc của người lao động là do họ không bắt kịp với những kĩ năng mới để tận dụng công nghệ, sẽ có những nguy cơ liên quan đến khoảng cách xã hội giữa những người có kĩ năng phù hợp và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và những người bị “bỏ lại” vì không có những kĩ năng đó.
Sự thay đổi các kỹ năng ở 10 lĩnh vực trong nền kinh tế. Nguồn: Điều tra của báo cáo Future of Jobs, Diễn đàn kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn để điều đó không xảy ra nhờ vào sự hợp tác của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Hành động của chúng ta hôm nay sẽ quyết định bức tranh của ngày mai. Chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những tác động tiêu cực mà sự phát triển của công nghệ mang lại trong tương lai và suy nghĩ về việc đầu tư cho con người, trang bị cho họ những kĩ năng để sẵn sàng với điều đó.
Liệu chúng ta có thể nói về những kĩ năng mà mọi người cần phải có trong tương lai không? Tôi nhớ rằng có ba kĩ năng đó là kĩ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết những vấn đề phức tạp.
Đó là cách chúng tôi phân loại trong báo cáo “Tương lai nghề nghiệp”. Đúng thế. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong hầu hết các công việc, mọi người đều cần có những kỹ năng cơ bản về công nghệ. Họ cần phải hiểu về hoạt động của công nghệ đấy và làm việc với những công nghệ đấy như thế nào, cụ thể hơn, đó là kỹ năng mà chúng tôi gọi là tư duy phê phán (critical thinking) và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đó là những gì cần thiết trong một thế giới có quá nhiều thông tin và nhiều công nghệ trong tương lai. Giống như, khi có rất nhiều thông tin sẵn có trên internet, bạn phải biết chọn lọc và đọc những gì có chất lượng cao.
Các tác giả còn nói trong báo cáo là những ngành nghề vốn tập trung vào khía cạnh công nghệ sẽ đòi hỏi nhiều kĩ năng tương tác, làm việc với người khác. Bởi vì trong tương lai, công nghệ sẽ tràn ngập quanh chúng ta, họ vừa phải “xóa mù” cho cộng đồng về công nghệ vừa phải học hỏi từ người khác kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nữa.
Vậy là, chúng ta thấy phía nào cũng cần phải thay đổi kĩ năng, những người làm về công nghệ thì cần kĩ năng xã hội, những người làm về lĩnh vực xã hội thì cần bổ sung những kĩ năng về công nghệ để đối mặt với một môi trường mà thông tin và công nghệ phổ biến cho tất cả mọi người.
Gần đây một nhà kinh tế học đến từ Thụy Điển, Goran Roos, chuyên gia về vốn trí tuệ tới Việt Nam. Ông có nói rằng, trong tương lai, chỉ còn những công việc đòi hỏi kĩ năng cực thấp và kĩ năng cực cao là còn tồn tại, còn những ngành có năng lực trung bình thì hoàn toàn biến mất.
Đó là điều tôi vừa nói lúc nãy, đó cũng là nguy cơ mà chúng ta có thể thấy trước – hai thái cực, hai nhóm người, một bên thì có kĩ năng tương tác với công nghệ, sẽ có những kĩ năng cao và sẽ có rất nhiều người không có những kĩ năng đó, bị lề hóa và tụt lại phía sau.
Chúng tôi vừa công bố một báo cáo mới về nhân lực toàn cầu 2017, một báo cáo hằng năm của chúng tôi. Theo đó, chúng tôi đánh giá nguồn nhân lực các nước dựa trên các khía cạnh khác nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, nguồn nhân lực không phải là con người mà là kĩ năng và kiến thức của họ.
Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới về số lượng người lao động, tính cả số người trẻ và số người già. Cũng không có khoảng cách lớn về giới trong việc tham gia lực lượng lao động. Hơn nữa, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất thấp. Nói chung Việt Nam là một quốc gia chăm chỉ.
Một khía cạnh khác là know-how, đây là là kĩ năng để một người có thể hoạt động trong môi trường công nghệ và trong một nền kinh tế phức tạp. Về điểm này, Việt Nam chỉ xếp thứ 120 trên 130 nước.
Vấn đề ở Việt Nam không phải là mọi người chưa đủ chăm chỉ, mà sẽ có nguy cơ người lao động bị tụt lại phía sau vì không phát triển những kĩ năng cần thiết và phù hợp cho tương lai. Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa là báo cáo của chúng tôi chỉ là ghi nhận của hiện tại nhưng nếu không có gì thay đổi, đó sẽ là tương lai của các bạn. Chính phủ, khối doanh nghiệp và xã hội phải cùng ngồi với nhau và thay đổi điều đó. Rất nhiều know-how và kĩ năng nghề nghiệp của người lao động cần sự phối hợp của chính phủ và doanh nghiệp để phát triển.
Ở Việt Nam hiện nay, khối tư nhân đang vận động cho giáo dục STEM nhưng anh có nghĩ rằng phương pháp giáo dục mới này đã đủ để chuẩn bị thế hệ trẻ cho những thay đổi công nghệ trong tương lai?
Tôi nghĩ có hai khía cạnh của câu trả lời cho câu hỏi này. Khía cạnh thứ nhất, mọi người đã nói về nó, đó là kĩ năng và năng lực, mọi người phải có kiến thức cơ bản và thành thạo nhất định về mặt công nghệ. Tuy nhiên đó không phải là toàn bộ câu chuyện, phải không?
Trên thực tế tư duy phê phán để đánh giá những thông tin xung quanh có lẽ còn quan trọng hơn những kiến thức công nghệ thuần túy và ngay cả những kiến thức công nghệ cũng thay đổi một cách chóng mặt. Rất có thể kiến thức bốn năm học đại học để làm kĩ sư sẽ có phần lạc hậu ngay sau khi bạn tốt nghiệp. Vấn đề không nằm ở việc học nhiều kĩ năng về công nghệ mà vấn đề là xây dựng những năng lực cơ bản (để có thể tự học những cái đó).
Chúng tôi nghĩ rằng các hệ thống giáo dục cho đến thời điểm này vẫn dựa trên một con đường học hành đi từ phổ thông đến đại học và đến khi học đại học thì bạn sẽ học những kĩ năng cần thiết cho cả đời. Nhưng điều này không còn phù hợp và không thể duy trì trong thế giới ngày nay nữa. Chúng ta cần một hệ thống hỗ trợ việc học suốt đời, cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi lứa tuổi. Hiện nay cũng có một vài thử nghiệm ở một số trường đại học tại Silicon Valley, Mỹ, trong đó họ thay đổi việc học đại học từ ba năm thành học các khóa học nhỏ liên tục trong suốt 10 năm (nhưng bạn vẫn có thể nhận bằng trước đó). Cũng có nhiều phong trào học online, cấp chứng chỉ và chứng nhận cho những khóa chuyên sâu, ngành hẹp. Chúng thúc đẩy bạn tiếp tục việc học hành, thoát khỏi quan điểm trường đại học trang bị tất cả cho bạn trong vòng ba năm và bạn không cần thiết phải học gì thêm sau khi tốt nghiệp.
Có rất nhiều thứ cần học đối với những người đã có công ăn việc làm. Thực ra quá trình tự học vẫn có thể diễn ra một cách tự nhiên trong không gian làm việc nhưng điều đó tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Tuy nhiên, đòi hỏi tất cả người lao động phải học và nâng cao kĩ năng của mình sẽ là quá sức của họ nếu không cho họ bất cứ một hỗ trợ nào khác. Họ còn cần thời gian và tâm sức gia đình, cuộc sống riêng tư nữa chứ. Vậy làm thế nào để giải quyết điều này? Tôi nghĩ đây là một yêu cầu cho chính phủ và doanh nghiệp phải cùng hợp tác để đưa ra những ý tưởng về giáo dục, đưa ra một mô hình khuyến khích và trao quyền cho mọi người để họ có thể học như vậy.