Việt Nam là mảnh đất mới cho các công ty khởi nghiệp
19/02/2024
112 Lượt xem
Mỗi sáng thức dậy, Vinnie Lauria, quốc tịch Mỹ, nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate, len lỏi qua những con đường ken đặc người ở TP HCM để đưa cậu con trai ba tuổi đến trường trước khi đến công ty.
Sau thời gian làm việc ở San Francisco và Singapore, ông quyết định chuyển tới TP HCM năm 2022. Những người như Lauria tin các đô thị đông đúc sẽ là thánh địa mới cho các công ty khởi nghiệp. "Đông Nam Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm tới và Việt Nam sẽ là trung tâm của khu vực", ông nói.
Theo Bloomberg, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang thu hút cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nơi lập trình viên, kỹ sư công nghệ cao hội tụ. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á cần nhiều hơn về những quy định hiện hành và chính sách đón đầu xu hướng kinh tế.
Theo báo cáo của KPMG International và HSBC Holdings hồi tháng 7/2022, số lượng công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ đầu 2021 đến giữa 2022. Nhiều nhà đầu tư lớn của thế giới như Sequoia Capital, Warburg Pincus LLC và Alibaba đang rót vốn vào các startup hứa hẹn ở Việt Nam. Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co cho thấy trong 2021, Việt Nam đã thu hút mức đầu tư kỷ lục 2,6 tỷ USD thông qua 233 giao dịch tư nhân, tăng từ mức 700 triệu USD và 140 giao dịch một năm trước đó.
Bên trong một văn phòng startup về blockchain ở quận 1, TP HCM. Ảnh: Huy Nguyen
Theo Do Ventures, các công ty Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với các công ty cùng ngành ở Đông Nam Á. Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Singapore, chiếm 13%. Những người trong ngành cho rằng TP HCM có những yếu tố để trở thành một Thung lũng Silicon tiếp theo. Nơi đây có hệ thống giáo dục đề cao toán và khoa học. Lĩnh vực gia công phần mềm tuổi đời hàng thập kỷ đã tạo ra vô số kỹ sư tài năng. Chất lượng nhân sự cao nhưng rẻ cũng là động lực để Việt Nam trở thành điểm đến được chú ý.
Vy Lê, đồng sáng lập Do Ventures, cho biết 10 năm trước, các nhà tài trợ phải mất 6 tháng để cân nhắc một khoản đầu tư. Nhưng giờ đây, nếu không đưa ra quyết định sớm hơn, họ có thể đánh mất cơ hội vào tay nhà đầu tư khác.
Tuy nhiên, con đường để trở thành một Thung lũng Silicon của khu vực vẫn còn nhiều thách thức. Suy thoái toàn cầu và khủng hoảng liên quan đến bất động sản đang gia tăng áp lực cho ngành công nghiệp vừa chớm nở. Nghiên cứu năm 2022 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng chỉ ra những bất ổn về "hệ sinh thái" của thành phố. "Cần có một số cải cách chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ và cải thiện khả năng cung cấp tài chính", báo cáo kết luận.
ADB nói thêm rằng các chính sách có lợi của chính phủ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng. Lĩnh vực khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam đã được hình thành nhiều năm. Năm 2013, sự ra mắt của Flappy Bird đã thổi một làn gió mới vào làn sóng khởi nghiệp quốc gia. Dù game này đã hạ màn, nó mở đường cho một thế hệ công ty mới khác, như nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động VNPay - kỳ lân thứ hai của Việt Nam năm 2020.
Một số startup nói Việt Nam chưa có nhiều câu chuyện "hóa rồng" vì các quy định rắc rối cản trở khả năng công ty lên sàn. Các yêu cầu liên quan đến lưu trữ dữ liệu người dùng cũng khiến một số quỹ đầu tư quốc tế cân nhắc kỹ hơn. Khó khăn trong việc xin thị thực cho công dân nước ngoài hay các quy định về quyền sở hữu trí tuệ cũng khiến nhân tài quốc tế chưa đổ về Việt Nam như kỳ vọng. Việt Nam cũng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty, trong một số lĩnh vực con số này không được vượt quá 49%.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản những người nước ngoài như Lauria tới Việt Nam. Quỹ đầu tư của ông bắt đầu rót vốn vào các công ty Việt từ 2014, và đến 2022 chính thức mở văn phòng ở Hà Nội và TP HCM. Doanh nhân người Mỹ quyết định đặt cược vào Việt Nam khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người ở đây tăng gấp ba trong một thập kỷ qua. Ông dự đoán chi tiêu dành cho trực quyến sẽ tăng gấp năm lần trong 6 năm tới.
Ngoài ra, xu hướng hồi hương của các tài năng trẻ cũng đang nở rộ. "Đây là một đợt hồi hương lớn, hay còn gọi là chảy máu chất xám ngược", Nguyên Nguyễn, trở về Việt Nam sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại tại Đại học Rice, Texas (Mỹ), nhận định.
Còn Bình Trần, nhà đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures, trở về từ Bay Area cùng gia đình năm 2020, cho biết: "Việt Nam đang phát triển ngoài tưởng tượng của những vị khách quốc tế. Đây là thị trường sôi động, nhiều tài năng trẻ khao khát được tham gia vào các công ty khởi nghiệp. Điều đó đã cộng hưởng tạo nên một làn sóng đổi mới, sáng tạo rộng khắp Việt Nam".