Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam đang triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định nhanh sự hiện diện của các tầng đá móng granitoid nứt nẻ, nơi hình thành thân dầu, với độ chính xác trên 80%, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí khoan.
Công nhân trên dàn khoan tại mỏ Bạch Hổ | Ảnh: PVN
Việc phát hiện và khai thác thành công dầu ở các tầng đá móng granitoid tại mỏ Bạch Hổ năm 1988 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm thăm dò dầu khí truyền thống của thế giới cho rằng dầu chỉ có mặt ở các tầng đá trầm tích. Các chuyên gia lý giải, khi tầng đá móng bị nứt nẻ, dầu có thể dễ dàng di chuyển vào các khe nứt tạo nên những thân dầu lớn có thể khai thác.
Thông thường, việc xác định các tầng đá móng nứt nẻ cần dùng đến các thiết bị chuyên dụng và có thể phải ngừng khoan giếng trong nhiều ngày, kéo dài thời gian thuê dàn khoan (hiện là 65.000-68.000 USD/ngày), làm tăng chi phí khai thác giếng khoan mới.
Nhằm tối ưu hóa quá trình này, VPI đã đưa ra một phương pháp dự đoán đá nóng nứt nẻ sử dụng các mô hình AI để phát hiện chính xác sự hiện diện của các hệ thống nứt nẻdựa trên dữ liệu thời gian thực.
Các thông số (như moment xoắn, tải trọng choòng khoan, lưu lượng dòng chảy, vận tốc quay của roto, áp suất đứng cột cần khoan…) sẽ được sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho các thuật toán học máy được giám sát. Sau đó, các mô hình sẽ được sàng lọc, xếp hạng, đánh giá để tìm ra mô hình tối ưu cho dự báo nứt nẻ.
VPI đã thử nghiệm độ chính xác của mô hình dự đoán này trên dữ liệu khoan của 12 giếng tại một số mỏ có cấu tạo địa chất tương tự. Kết quả cho thấy độ chính xác dự báo nứt nẻ đạt trên 80% với các giếng mới tương đồng.
Kết quả từ nền tảng MLOps này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả khoan, đặc biệt là xác định chính xác những khoảng độ sâu xuất hiện nứt nẻ, giúp cho người điều hành biết được các nguy cơ và đưa ra biện pháp xử lý khi khoan qua các đới nứt gãy, từ đó đảm bảo an toàn cho quy trình khoan và rút ngắn thời gian thuê giàn khoan.
Tùy thuộc vào kế hoạch khoan của mỗi nhà thầu, chi phí tiết kiệm được có thể lên tới hàng trăm nghìn USD. Theo giám đốc dữ liệu của VPI, mô hình dự đoán đá móng nứt nẻ này sử dụng dữ liệu hiện có của ngành dầu khí Việt Nam liên quan đến các thông số khoan và những khoảng đá nứt nẻ đã biết để phát triển các thuật toán tối ưu, tạo ra các giá trị mới, đảm bảo tính bảo mật và an toàn.
Việc ứng dụng AI vào thăm dò dầu khí là cột mốc tiếp theo trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số của PetroVietnam. Vào tháng bảy, VPI đã xây dựng Oilgas AI, một hệ sinh thái sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập, biểu diễn và phân tích dữ liệu chuyên ngành về dầu thô, xăng dầu, khí hóa lỏng LPG và khí đốt tự nhiên. Nó cung cấp các giải pháp có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh hơn và hiệu quả hơn trong các hoạt động hằng ngày của họ, cũng như xây dựng các kế hoạch và chiến lược dài hạn.
Trong nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2 năm nay, PetroVietnam xem chuyển đổi số là điều bắt buộc để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Trong nửa đầu năm 2022, PetroVietnam đã khai thác ra 5,48 triệu tấn dầu thô, vượt 23% so với mục tiêu nửa đầu năm. Trong khi đó, sản lượng xăng dầu vượt kế hoạch 14%, và sản lượng phân bón vượt mục tiêu 8%. Doanh thu nửa đầu năm ước tính đạt 20 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi mục tiêu đặt ra trong sáu tháng.