Trong đề tài nghiên cứu “Vòng đeo tay theo dõi sức khỏe cho người già và người bị bệnh truyền nhiễm tự cung cấp năng lượng”, PGS. Lê Minh Thùy - giảng viên Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội - đã thiết kế và chế tạo một thiết bị có thể đo nồng độ SPO2 trong máu, đo nhịp tim, và đo nhiệt độ.
Theo PGS. Thùy, nếu những chỉ số đo trên đồng hồ thông minh chỉ mang tính chất theo dõi, không đủ độ tin cậy như một thiết bị y tế chuyên dụng để bác sĩ căn cứ vào đó đánh giá tình trạng bệnh thì vòng đeo tay theo dõi sức khỏe do chị nghiên cứu là một thiết bị y tế. Đặc biệt, người đeo vòng không cần quan tâm đến việc sạc điện do vòng lấy năng lượng từ sóng điện từ hoặc từ chênh nhiệt của người đeo. Vòng sử dụng những vật liệu chuyển đổi từ nhiệt (thermalelectric) sang điện, cấp nguồn cho thiết bị. “Trong suốt quá trình nghiên cứu, thiết kế vòng đeo tay theo dõi sức khỏe, đây là bài toán khó nhất mà chúng tôi đã vượt qua.” – PGS. Thùy cho biết.
Hiện chưa tính công, chi phí vật lý mua linh kiện và chế tạo là hơn 10 USD/thiết bị, nếu sản xuất hàng loạt, giá của vòng sẽ còn rẻ hơn nữa.
Vòng đeo tay sức khỏe truyền tin không dây, nhờ đó có thể định vị được bệnh nhân đang ở khu vực nào, không cần camera giám sát. Nếu chỉ số sức khỏe của người bệnh bất thường, vòng sẽ gửi tin nhắn hoặc cuộc gọi thoại báo cho người thân và gọi bác sĩ.
Thiết bị đã được đánh giá đạt chuẩn tương thích điện từ của Bộ Y tế - chuẩn EMC60010 ở vòng sơ bộ. PGS. Lê Minh Thùy đang tiến hành đăng ký phát minh sáng chế cho nghiên cứu của mình. Một số công ty về thiết bị y tế trong nước đã đặt vấn đề triển khai sản phẩm nghiên cứu với chị.