Xây dựng khung pháp lý khuyến khích nhà đầu tư thiên thần
18/12/2017
100 Lượt xem
Ðối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST), bên cạnh nguồn nhân lực về quản trị doanh nghiệp, kỹ thuật, thì nguồn vốn là một trong những yếu tố tiên quyết. Nhưng hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý, chính sách đặc thù về nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp ÐMST. Chính vì vậy, các nhà đầu tư thiên thần chính là nguồn tài chính, kiến thức, kinh nghiệm quản trị, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST.
Hoạt động khởi nghiệp có tính chất rủi ro cao nhưng có thể mang lại lợi nhuận lớn nếu thành công, cho nên vốn và tài chính cho giai đoạn đầu cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhất của các doanh nghiệp. Ðầu tư cho khởi nghiệp ÐMST luôn là đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh các công ty, quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân hay Nhà nước, còn một loại hình rất phổ biến trên thế giới là các nhà đầu tư thiên thần. Ðây là những người giàu, có khả năng đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu lập nghiệp để đổi lại bằng vốn sở hữu hoặc khoản vay có thể chuyển đổi. Có những nhà đầu tư thiên thần hoạt động riêng lẻ, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư thiên thần đầu tư theo nhóm, câu lạc bộ, mạng lưới nhà đầu tư hoặc đầu tư thông qua các kênh trung gian gọi vốn cộng đồng trên mạng. Qua đó, các nhà đầu tư thiên thần có thể chia sẻ được kinh nghiệm, nghiên cứu về đầu tư, đồng thời, đưa ra các góp ý để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hầu hết nhà đầu tư thiên thần là những người từng là doanh nhân, nhà quản lý, nhiều người đã về hưu và họ thường không chỉ đầu tư vì mục đích lợi nhuận mà còn mong muốn được truyền đạt lại kinh nghiệm để phát triển thế hệ doanh nhân kế cận, đồng thời cập nhật về các xu hướng mới trên thị trường. Các nhà đầu tư thiên thần rất quan trọng do họ đến với doanh nghiệp vào giai đoạn "chập chững" ban đầu, khác với các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ đầu tư khi doanh nghiệp đã chứng minh khả năng tìm được thị trường phù hợp. Ðầu tư vào giai đoạn đầu khá nguy hiểm khi doanh nghiệp đang trong quá trình tìm hiểu thị trường, làm sản phẩm mẫu và lặp đi lặp lại các cuộc thử nghiệm, tốn kém công sức và tiền của. Rủi ro cao đến mức hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp thường không thể vượt qua và giai đoạn này được gọi bằng cái tên "thung lũng chết". Các nhà đầu tư thiên thần không chỉ cung cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp nguồn vốn cần có, mà còn cung cấp các kinh nghiệm kinh doanh, giới thiệu mạng lưới những người quen biết, nguồn lực của họ trong giới kinh doanh để doanh nghiệp có thể sống sót và phát triển qua giai đoạn khó khăn nhất này.
Do tính chất rủi ro cao nhưng lại hết sức cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST, hầu hết các nước phát triển trên thế giới xây dựng hệ thống pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư thiên thần, giảm rủi ro không đáng có cho họ. Các quy định sẽ bảo đảm cho việc đầu tư của các cá nhân này cho doanh nghiệp khởi nghiệp nếu thất bại cũng không ảnh hưởng tới nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, các nước đều có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp, nhằm thu hút các cá nhân giàu có tham gia và làm sôi động thị trường đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân là một trong những biện pháp phổ biến nhất để khuyến khích cá nhân đầu tư, được thể hiện dưới hình thức: nếu cá nhân đầu tư một khoản tiền nhất định cho khởi nghiệp tại một quốc gia, sẽ được hưởng phần khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tương đương một tỷ lệ % nhất định của khoản đầu tư này. Số tiền khấu trừ có thể được giữ lại nếu chưa dùng hết và tiếp tục được khấu trừ trong các năm tiếp theo, thậm chí có thể được quy ra tiền mặt để trả lại nhà đầu tư. Một số nước lại có hình thức Nhà nước đối ứng đầu tư với nhà đầu tư thiên thần nhằm giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tăng nguồn vốn mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng tạo điều kiện để phát triển các kênh trung gian gọi vốn cộng đồng để nhà đầu tư thiên thần có thể tiếp cận nguồn thông tin khởi nghiệp một cách nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch hơn.
Với tình hình phát triển sơ khai của hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST tại Việt Nam hiện nay, cần khuyến khích, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, nhất là hỗ trợ về truyền thông, nâng cao nhận thức đến các doanh nhân về những lợi ích và tính chất của việc đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST; đưa các nhà đầu tư có kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà đầu tư trong nước, từ đó tạo nền tảng cơ bản về kiến thức cũng như nhận thức về đầu tư thiên thần, trước khi có thể thật sự phát triển hoạt động này ở Việt Nam. Cùng đó, cần có các chính sách về giảm trừ thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản đầu tư của nhà đầu tư thiên thần và cho phép các quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước được phép đối ứng đầu tư với các nhà đầu tư thiên thần đạt điều kiện. Ngoài ra, một cách thức hữu hiệu để thu hút đầu tư thiên thần là hệ thống gọi vốn cộng đồng thông qua cổ phần. Do đó, rất cần có những nghiên cứu cụ thể để có cơ chế phù hợp cho hệ thống gọi vốn cộng đồng thông qua cổ phần được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.