Cây ăn quả là một trong nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam xoay trục chiến lược sản xuất (thủy sản - trái cây - lúa) để nâng cao giá trị gia tăng, đích đến thị trường toàn cầu có giá trị thương mại khoảng 240 tỷ $/năm (gấp 8-9 lần lúa gạo).
MNPB1 có tiềm năng sản xuất cây ăn quả đa dạng nhất của Việt Nam (nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới), hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích (247.900 ha năm 2019, chiếm 23,23%). Trong tổng diện tích 185.960 ha của 8 loại cây ăn quả chủ lực tại MNPB, cây cam đứng thứ 2 (14,05%, sau vải), cây bưởi đứng thứ 52.
Cây cam và bưởi có khả năng thích ứng rộng, hiệu quả kinh tế cao (từ trên 200 triệu đồng/ha) nên được Tây Bắc3 nói riêng và MNPB nói chung mở rộng trong 10 năm gần đây, diện tích bình quân tăng hơn 10%/năm. Phát triển cam, bưởi mang lại những hiệu quả tích cực như: XĐGN, xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế-xã hội... nhưng cũng đặt ra những thách thức không bền vững về chất lượng và ATTP, môi trường, giá trị gia tăng và thành quả của xây dựng NTM, XĐGN...; cụ thể:
- Sản lượng tăng cao phá vỡ quan hệ cung-cầu, kéo theo giá bán giảm từ năm 2018 (năm 2020, giá cam tại nhà vườn từ 5.000-12.000 đồng/kg và bưởi từ 3.000- 10.000 đồng/quả). Vì vậy, nhiều nhà vườn không đầu tư và chăm sóc ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cũng như chất lượng quả;
- Chất lượng giống và cơ cấu giống bất cập. Các giống cam đang sử dụng đều có hạt, giá thành sản xuất cao hơn giá thế giới nên không có lợi thế xuất khẩu và chế biến. Các giống cam chính vụ chiếm trên 70% cơ cấu, tạo áp lực mùa vụ. Các giống bưởi đặc sản (Đoan Hùng, Diễn, Xuân Vân, đường Nhân Lý, đỏ Tân Lạc...) chỉ phù hợp với phân khúc thị trường hẹp miền Bắc. Giống bưởi da xanh có chất lượng phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu nhưng yêu cầu trình độ thâm canh cao;
- Chất lượng (yếu tố quyết định sự sống còn của sản xuất) có nguy cơ giảm và không đảm bảo ATTP do: i) Lạm dụng hóa chất (phân bón vô cơ, thuốc BVTV, chất kích thích và điều tiết sinh trưởng...); ii) Phát triển không gắn với điều kiện sinh thái (đất dốc rửa trôi, hoặc có tầng hữu hiệu mỏng, hoặc có nguy cơ ngập úng/hạn hán...); iii) Thoái hóa giống do chu kỳ khai thác kéo dài; iv) Chất lượng cây giống không được kiểm soát nguồn gốc và chất lượng... dẫn tới bùng phát các dịch bệnh nặng, đặc biệt là bệnh grening.
- Tăng trưởng nóng kéo theo ô nhiễm môi trường: xói mòn rửa trôi đất (thiết kế vườn không đúng kỹ thuật); ô nhiễm đất, nước và không khí (hóa chất và thuốc BVTV).
- Biến đổi khí hậu kéo theo khô hạn, úng lụt bất lợi và xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh hại cho cây.
- Liên kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ lỏng lẻo nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Đặc biệt, người nghèo có tư liệu đất đai nhưng thiếu vốn, kỹ thuật và ít cơ hội sinh kế... gặp bất lợi lớn khi gặp khủng hoảng (giá giảm, thiên tai, dịch bệnh...).
Để khai thác các lợi thế và phát triển bền vững cây cam và bưởi của khu vực Tây Bắc, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp TBKT phù hợp (kỹ thuật, tổ chức sản xuất và thị trường, bảo quản, chế biến...). Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Kĩ sư Phùng Hữu Hoàn cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty cổ phần Đầu tư XD & TM Quang Hà Điện Biên thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để phát triển Cam Bưởi theo chuỗi giá trị trên đất dốc vùng Tây Bắc” với mục tiêu xây dựng được mô hình ứng dụng đồng bộ các TBKT để trồng mới và cải tạo vườn cam, bưởi hiện có để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân tại vùng Tây Bắc tối thiểu 50% so với phương pháp canh tác truyền thống.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Xây dựng được mô hình 20 ha trồng mới cây bưởi, cam (10 ha bưởi/mô hình ở Điện Biên và 10 ha cam/ mô hình ở Hòa Bình) ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương (gồm thiết kế vườn, phân bón, bảo vệ đất, giống, tạo hình, rải vụ, bảo vệ thực vật, giữ ẩm và tưới tiến tiến tiết kiệm nước...) bền vững, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn, tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh hại cây; sinh trưởng và phát triển tăng hơn các vườn bưởi cùng tuổi cây ít nhất 50%. Giảm 50% công lao động chăm sóc (tưới, bón phân); giảm từ 30-40% lượng nước tưới và 20-30% lượng phân bón vô cơ, nâng cao thu nhập cho người dân tối thiểu 50%.
- Xây dựng được mô hình cải tạo 40 ha cam, bưởi hiện có ( 20 ha bưởi/ mô hình tại huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình và 20 ha cam/ mô hình tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình) bằng tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp (ghép cải tạo, tạo hình, bảo vệ và cải tạo đất, cải thiện dinh dưỡng, tưới và giữ ẩm hiệu quả), năng suất tăng 20-25%, các chỉ tiêu: độ Brix > 10, đồng đều về kích thước, mẫu mã đẹp đáp ưng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Xây dựng được mô hình sơ chế, bảo quản 500 tấn cam đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định chất lượng trong thời gian tối thiểu 3 tháng, tổn thất sau thu hoạch dưới 10%.
Những sản phẩm chính của dự án:
- Xây dựng được quy trình cam trồng mới trên đất dốc.
- Xây dựng được quy trình cải tạo và thâm canh vườn cam trên đất dốc.
- Xây dựng được quy trình (chế độ, kỹ thuật) tưới cho cây cam và bưởi cho 02 thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh.
Dự án đã tổng kết, đánh giá một cách hệ thống hiện trạng tưới và bón phân cây cam và bưởi tại hai tỉnh Hòa Bình và Điện Biên; phân tích các ưu điểm và hạn chế của các chế độ tưới, kỹ thuật tưới khác nhau. Tiến hành tính toán lý thuyết, tổng hợp kinh nghiệm của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiến hành khảo nghiệm trên đồng ruộng về chế độ kỹ thuật tưới kết hợp các biện pháp canh tác tiên tiến. Kết quả này là cơ sở để đề xuất các quy trình tưới kết hợp một số biện pháp canh tác tiên tiến trên đất dốc cho cây cam và bưởi.
Các quy trình tưới kết hợp một số biện pháp canh tác tiên tiến cho cây trồng giúp cho việc canh tác, tưới nước, bón phân hiệu quả hơn giải pháp truyền thống như:
- Tiết kiệm từ 30÷40% lượng nước tưới tưới
- Tiết kiệm từ 20÷30% lượng phân bón vô cơ;
- Hạn chế xói mòn đất tối đa, cắt tán tỉa cành hợp lý, giảm 50% chi phí nhân công, chăm sóc;
- Giúp tăng năng suất 20-25%;
- Tăng chất lượng quả cam bưởi như khối lượng, đường kính quả, độ Brix (tăng tối thiểu 10%)
Đồng thời dự án cũng đã xây dựng được quy trình thu hái và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch áp dụng công nghệ ion plasma, giúp bảo quản sản phẩm ít nhất 90 ngày, hao hụt khối lượng <10%.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20768/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Nguồn: NASATI