Xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải: Định vị thương hiệu Việt trên trường quốc tế
24/04/2024
82 Lượt xem
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải.
"Chính nhãn hiệu lúa giảm phát thải mới nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam. Mình có thể đo đếm các phần để chi trả bằng chứng chỉ carbon. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu chính mà chỉ là thước đo công nhận lúa của mình đạt tiêu chuẩn để giảm phát thải. Vấn đề nâng cao giá trị vẫn là nhãn hiệu hàng hóa. Bộ đang nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho lúa Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp", ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định: “Đây là Đề án mà Thủ tướng rất tâm huyết và đã kết nối được rất nhiều nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ chúng ta định vị lại một ngành hàng lúa gạo phải thay đổi toàn bộ nhận thức của người nông dân trồng lúa rằng, bằng một giải pháp công nghệ, có thể chúng ta tiết kiệm hơn mà chúng ta vẫn đạt được sản lượng tốt hơn, chất lượng hạt gạo chúng ta tốt hơn mà chúng ta chứng minh với thế giới rằng hạt gạo đó là hạt gạo xanh. Ngay cả thông điệp của Festival lúa gạo Hậu Giang cũng được lấy chủ đề "gạo xanh, sống lành". Bởi hạt gạo đó được trồng từ một quy trình canh tác không phát thải khí carbon và một ngành lúa gạo tuần hoàn từ phụ phẩm rơm rạ, trấu tro của rơm sẽ biến thành sản phẩm khác, người nông dân của chúng ta vừa được hưởng thành quả từ hạt gạo của mình, vừa bán được chứng chỉ carbon, vừa tham gia vào tạo ra những sản phẩm từ cái chúng ta gọi là phụ phẩm của ngành lúa gạo. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho nông nghiệp, nông thôn, cho kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn”.
Để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp, bộ tăng cường đi khảo sát các địa bàn, sau đó có các chương trình cụ thể, nhất là kế hoạch chuyên đề triển khai đồng bộ. Đồng thời, kỹ thuật điều tiết nước cũng cần chú trọng. Theo đó, từng thửa ruộng phải được rút nước kịp thời, đúng thời vụ, không để ứ đọng trên cánh đồng, đảm bảo cho lúa sinh trưởng để giảm phát thải.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã từng nhận định, Đề án là “cuộc chơi” lớn, vì thế có 4 cái khó: Khó vì lần đầu tiên đặt ra mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; khó vì thay đổi thói quen trong canh tác nông nghiệp; khó vì luôn bị tác động ngay lập tức từ sự thay đổi thất thường của giá gạo trên thị trường; khó thống nhất ở một số việc liên quan đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, điển hình như việc thống nhất giá gạo xuất khẩu.
Và để “cuộc chơi” lớn đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát. Đặc biệt, cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp để từng bước thúc đẩy từng người nông dân có thái độ "hết lòng" với Đề án này. Nếu không "tuân thủ" kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn là chúng ta thất bại, nhưng đồng thời cũng phải "linh hoạt", sáng tạo trong cách ứng xử, phù hợp với từng vùng, từng địa phương và đặc biệt phải thích ứng với tác động ngày một nghiêm trọng, khó đoán định của biến đổi khí hậu.