Việc xuất bản các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế, có chỉ số trích dẫn cao, được quốc tế công nhận là một trong những yêu cầu quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của nền khoa học và công nghệ (KH&CN) nước nhà. Được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, từ năm 2013, Tạp chí KH&CN Việt Nam (trước đây là Tạp chí Hoạt động Khoa học) đã thực hiện Đề án Nâng cấp Tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đến nay, qua 2 giai đoạn thực hiện (2013-2014 và 2015-2016), Tạp chí đã có sự thay đổi đáng kể, được cộng đồng KH&CN trong và ngoài nước ghi nhận: từ một số/tháng lên 2 số/tháng, trong đó có 1 số chuyên đăng tải các bài báo khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, có phản biện kín, được 14 Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành cấp nhà nước tính điểm công trình… Với lộ trình của mình, Tạp chí đang nỗ lực phấn đấu vươn tới đạt tiêu chuẩn quốc tế Scopus như mục tiêu của Đề án đã đề ra.
Sự cần thiết phải xuất bản các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế
Trong tiến trình phát triển KH&CN của các quốc gia, việc xuất bản các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ và thúc đẩy nội lực KH&CN của mỗi nước, bởi việc xuất bản sẽ đáp ứng nhu cầu công bố các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, mặt khác góp phần tăng cường trao đổi, hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN. Không chỉ các nước châu Âu và Hoa Kỳ, nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore… đã có nhiều tạp chí khoa học được quốc tế công nhận.
Trong bối cảnh đó, những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu xu hướng phát triển một số tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Có thể kể đến những nỗ lực của các tạp chí như: Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN), Acta Mathematica Vietnamica, Vietnam Journal of Mathematics, một số tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh… trong việc xây dựng và phát triển theo chuẩn quốc tế, tiến tới được đưa vào cơ sở dữ liệu của Scopus và ISI.
Theo số liệu của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, đến hết năm 2015, cả nước có tổng cộng 334 tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (International Standard Serial Number, ISSN) được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, 28 Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và gần 100 Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở đưa vào danh sách xem xét, tính điểm cho các bài báo của các ứng viên GS, PGS (chưa kể các tạp chí khoa học quốc tế mà các ứng viên GS, PGS đã có bài báo đăng trên đó). Rất đáng mừng là trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều tân GS, PGS đã có những công bố quốc tế xuất sắc loại SCI, SCIE (khoa học tự nhiên và công nghệ) và SSCI, A&HCI (khoa học xã hội và nhân văn), với hệ số ảnh hưởng IF rất cao. Cũng trong số 334 tạp chí khoa học trong nước, chỉ có một tạp chí mới được xếp vào ISI/Science Citation Index Expanded (SCIE) trong tháng 1/2016, đó là ANSN do GS.VS Nguyễn Văn Hiệu làm Tổng biên tập. Sau khi được đưa vào cơ sở dữ liệu Scopus từ năm 2014, Tạp chí ANSN do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản IOP (Vương quốc Anh) xuất bản đã được Thomson Reuters đưa vào cơ sở dữ liệu SCIE căn cứ vào hệ số ảnh hưởng IF của ANSN do Thomson Reuters đánh giá trong 12 tháng của năm 2015. Bên cạnh ANSN, Việt Nam còn có hai tạp chí toán học trong cơ sở dữ liệu Scopus, đó là: Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học (từ năm 2011) và Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (từ năm 2014).
Trong số 334 tạp chí khoa học nêu trên chỉ có 26 tạp chí (7,78%) xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng Anh. Như vậy, chưa bàn về chất lượng khoa học, có thể thấy số lượng các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của nước ta còn quá ít ỏi. Gần 100% tạp chí khoa học của chúng ta đang xuất bản bằng tiếng Việt. Trong đợt xét công nhận GS, PGS năm 2015, chỉ có 3/28 Hội đồng ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế, đó là Vật lý, Toán học và Công nghệ thông tin, trong khi đó có tới 10/28 Hội đồng ngành không có công bố quốc tế. Đây là điểm yếu và là một thiệt thòi lớn đối với KH&CN Việt Nam.
Ở nước ta, đa số ngành, chuyên ngành trong khoa học như toán, lý, hóa, kinh tế… đã xuất bản những tờ tạp chí khoa học trong lĩnh vực riêng của mình, trong đó có một số ít đang tự hoàn thiện để đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có một tờ tạp chí khoa học đa ngành, liên ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong khi nhu cầu đăng tải, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành trong thực tế đang đòi hỏi rất bức thiết. Đây cũng là một nhu cầu chính đáng và cần thiết trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
Xây dựng Tạp chí KH&CN Việt Nam theo hướng liên ngành, đa lĩnh vực, đạt chuẩn quốc tế
Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN cao nhất trong cả nước. Các báo, tạp chí của Bộ đóng vai trò là cơ quan ngôn luận, lý luận quan trọng của Bộ. Việc tập trung đầu tư xây dựng một tờ tạp chí khoa học đa ngành, liên ngành, đã có nền móng vững chắc và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực KH&CN, trực thuộc sự quản lý của Bộ KH&CN trở thành một tạp chí khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế là một việc làm cần thiết và phù hợp với xu hướng cũng như đòi hỏi thực tế của KH&CN Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu đó, năm 2012, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã phê duyệt Đề án tổng thể Nâng cấp Tạp chí Hoạt động Khoa học (nay là Tạp chí KH&CN Việt Nam) theo tiêu chuẩn quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 Tạp chí có đủ các điều kiện nộp hồ sơ đạt chuẩn theo Scopus và phấn đấu sẽ đạt tiêu chuẩn ISI vào năm 2025-2030. Với truyền thống lịch sử và bề dày gần 60 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí có những lợi thế riêng trong việc nâng cấp, phát triển thành tạp chí khoa học quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn, chưa có tiền lệ trong việc phát triển một tạp chí đa ngành, đa lĩnh vực ở Việt Nam, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo và các cán bộ của Tạp chí, đặc biệt là của Hội đồng biên tập.
Để phát triển thành một tạp chí khoa học quốc tế, Tạp chí đã và đang phấn đấu nhằm đáp ứng 5 tiêu thức chính và 16 tiêu thức con của một tạp chí khoa học trong danh mục Scopus:
Đến nay, Đề án đã được triển khai 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2013-2014): Tạp chí đã tăng tần suất xuất bản từ 1 số/tháng (năm 2012) lên 2 số/tháng, mỗi số 64 trang, trong đó các bài viết trong chuyên mục Nghiên cứu - trao đổi có tiêu đề bằng tiếng Anh, tóm tắt tiếng Anh, được phản biện kín, chiếm dung lượng khoảng 30% tổng số trang của Tạp chí. Tạp chí cũng đã xây dựng được Hội đồng biên tập (12 thành viên) và Hội đồng tư vấn (10 thành viên) gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, bao quát các lĩnh vực KH&CN chính. Giai đoạn II (2015-2016): Tạp chí tách thành 2 series A và B, trong đó serie A thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của Tạp chí (phục vụ hoạt động quản lý KH&CN), serie B chuyên đăng tải các công trình khoa học với hình thức và nội dung theo tiêu chuẩn quốc tế. Hội đồng biên tập của Tạp chí gồm 25 thành viên (theo 5 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y - dược, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp), Hội đồng tư vấn gồm 10 thành viên. Hiện nay, Tạp chí đã được 14 Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành cấp nhà nước tính điểm công trình.
Như vậy, thông qua việc thực hiện Đề án giai đoạn I và giai đoạn II, Tạp chí đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đặt nền móng cho việc nâng cấp Tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế và đã xây dựng trình Lãnh đạo Bộ kế hoạch thực hiện giai đoạn III (2017-2018) của Đề án nhằm tiến tới các mục tiêu đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Theo kế hoạch, trong giai đoạn III, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các series A, B bằng tiếng Việt, Tạp chí sẽ xuất bản serie C bằng tiếng Anh chuyên đăng tải các công trình khoa học trong nước và quốc tế, với các bài báo khoa học có nội dung và hình thức theo tiêu chuẩn quốc tế Scopus.
Một số kiến nghị, đề xuất
Việc nâng cấp Tạp chí KH&CN Việt Nam theo chuẩn quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN, nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của Bộ KH&CN với cộng đồng KH&CN trong và ngoài nước, đồng thời giúp Tạp chí phát triển lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu của Bộ và nhu cầu đăng tải kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Các công việc của Đề án đang được thực hiện theo đúng lộ trình và đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án cũng cho thấy nhiều khó khăn, thách thức, bởi đây là một vấn đề mới và khó, chưa có một khung mẫu chuẩn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của đội ngũ cán bộ, biên tập viên của Tạp chí. Đặc biệt là rất cần sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng trong Bộ, sự đóng góp thực sự của Hội đồng biên tập cũng như cộng đồng khoa học Việt Nam. Cơ chế tài chính cho việc thực hiện Đề án cũng cần có những thay đổi cho phù hợp với đặc thù công việc chuyên môn cũng như khuyến khích các biên tập viên chuyên tâm với công việc của mình. Việc đầu tư cho Tạp chí để nâng cao chất lượng các bài báo khoa học và đạt tiêu chuẩn quốc tế là một quá trình lâu dài, liên tục mới có thể đạt được thành công như mong muốn.
Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt các công việc sau: 1) Tiếp tục đảm bảo số lượng nâng cao chất lượng và bài báo khoa học, phát triển và vươn tới quốc tế; 2) Kiện toàn và quốc tế hóa Hội đồng biên tập, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đóng góp của các thành viên Hội đồng; 3) Đào tạo và tự đào tạo đội ngũ biên tập viên một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, có các kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; nghiên cứu cách làm của các tạp chí khoa học quốc tế; 4) Thường xuyên trao đổi, gặp gỡ các cộng tác viên; tổ chức các hội thảo chuyên đề để tạo nguồn bài có chất lượng cao cho Tạp chí; 5) Có cơ chế khuyến khích các chương trình KH&CN cấp nhà nước có các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia, trong đó có Tạp chí KH&CN Việt Nam. Đây là điều kiện vô cùng cần thiết để thúc đẩy nhanh tiến trình đạt chuẩn Scopus của Tạp chí KH&CN Việt Nam (một số nước trên thế giới cũng làm theo cách này để có thể nhanh chóng đạt được mục đích lọt vào cơ sở dữ liệu của Scopus).
Nguyễn Thị Hương Giang
Tạp chí KH&CN Việt Nam