Từ những thứ bị thải bỏ trong quá trình chế biến tôm như đầu, vỏ tôm, các nhà khoa học ở trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) đã ứng dụng phương pháp vi sinh vật để xử lí hiệu quả các phụ phẩm tôm - vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo ra các sản phẩm giá trị như probiotic giàu caroten-protein để ứng dụng trong chăn nuôi.
Dù mang lại hàng tỷ USD giá trị xuất khẩu mỗi năm song ngành chế biến tôm cũng mang đến không ít áp lực môi trường cho Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Hầu hết tôm xuất khẩu được chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỉ lệ phần đầu và vỏ bị thải bỏ khá lớn, chiếm khoảng 50% trọng lượng tôm. Chỉ tính riêng năm 2020, lượng phế phẩm đầu tôm ở Việt Nam đã lên tới khoảng 500 ngàn tấn, trong đó có khoảng 30% chưa được xử lý (theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam). Điều đáng lo ngại là với xu hướng chế biến tôm ngày càng phát triển như hiện nay, lượng phụ phẩm tích lũy từ quá trình chế biến tôm ngày càng nhiều.