Kể từ năm 2000, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người khi gây ra nhiều đợt nắng nóng cực đoan, sự bùng phát của những căn bệnh do muỗi lây truyền và tình trạng thiếu dinh dưỡng do mất mùa. trích dẫn từ nghiên cứu:
Nghiên cứu do 24 viện nghiên cứu và tổ chức đa quốc gia thực hiện, vừa được công bố trên tạp chí The Lancet, cho hay. Dưới đây là một vài con số cụ thể
Thiên tai: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của biến đổi khí hậu là thiên tai diễn ra với tần suất tăng lên rõ rệt. Trong một thập kỷ từ 2007-2016, trung bình mỗi năm thế giới gánh tới 306 thảm họa liên quan đến thời tiết, tăng 46% so với giai đoạn trước đó kể từ năm 2000. Các đợt thiên tai không chỉ gây chết người mà còn lan truyền dịch bệnh nhanh hơn và ảnh hưởng đến an ninh lương thực cũng như nước uống.
Sóng nhiệt: Từ năm 2010-2016, bề mặt Trái đất tăng thêm 0,40C nhưng độ nóng mà con người cảm nhận được trong cùng khoảng thời gian này tương đương 0,90C, do mật độ dân số tăng cao tại những vùng như Ấn Độ, Trung Quốc và Châu Phi. Cũng trong giai đoạn này, số người bị tổn thương (choáng, ngất…) do tiếp xúc với sóng nhiệt (một dạng thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài vài ngày) đã tăng thêm trung bình 127 triệu người mỗi năm và cao kỷ lục vào năm 2015 với 175 triệu người.
Nhiệt độ tăng không chỉ gây ra những triệu chứng sốc nhiệt và stress nhiệt, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, mà còn làm trầm trọng thêm những bệnh mãn tính liên quan đến tim và thận. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, 5,3% số lao động trên thế giới mất khả năng lao động trong giai đoạn 2000-2016 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan. Con số này ở Việt Nam cao từ 10-30%, tùy theo khu vực.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết ở Thái Lan. Ảnh: Getty Images
Dịch bệnh: Nhiệt độ ấm lên khiến địa bàn hoạt động của các loài muỗi mở rộng thêm, do đó những căn bệnh mà chúng mang theo cũng lan rộng hơn. Kể từ năm 1990, số ca nhiễm các bệnh sốt xuất huyết cứ sau một thập kỷ lại tăng gấp đôi. Hai chủng muỗi A aeqypti và A albopictus không chỉ mang theo bệnh sốt xuất huyết mà còn mang theo những virus nguy hiểm như sốt vàng da, Chikungunya, Mayaro và Zika.
Dinh dưỡng: Một cách gián tiếp, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực. 10C tăng thêm vào thời điểm mùa khô sẽ dẫn đến sự sụt giảm năng suất lúa gạo đến 10%. Bên cạnh đó, nhiệt độ mặt biển tăng hay hiện tượng bạc san hô... là những yếu tố ảnh hưởng chính đến năng suất đánh bắt thủy sản. Không những thế, sự biến động của những yếu tố này còn dẫn đến sự sinh sôi không thể kiểm soát của những loại tảo có hại, khiến cho hải sản bị nhiễm độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Di cư: Biến đổi khí hậu là một trong những tác nhân quan trọng thúc đẩy di cư, trong đó các cư dân sống ở ven biển có nguy cơ cao nhất. Năm 2000, thế giới có 634 triệu người sống ở những vùng đất thấp dưới mực nước biển 10m và số người này sẽ tăng lên gần gấp đôi vào năm 2050. Sau năm 2100, nếu không có có những biện pháp can thiệp, khoảng một tỷ người sẽ buộc phải rời nơi ở của mình do nước biển dâng. Việc di cư tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần của con người vì họ phải rời bỏ chốn quen thuộc và không được tiếp cận với những dịch vụ xã hội và sức khỏe như cũ nữa.
Hiện nay, các quốc gia đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho y tế để tăng sức đề kháng và khả năng thích nghi của con người với biến đổi khí hậu nhưng sức đề kháng của con người chỉ có chừng mực và nó sẽ tới hạn khi cơ thể liên tiếp phải chống chọi với những áp lực bên ngoài mà biến đổi khí hậu góp phần làm trầm trọng thêm.
Bên cạnh đầu tư cho y tế và y tế dự phòng, các quốc gia vẫn phải tập trung giải quyết những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu bao gồm đánh giá các nguy cơ ô nhiễm môi trường, đầu tư vào năng lượng không phát thải, áp dụng chính sách thuế đối với những nhà sản xuất phát thải CO2 và bụi mịn PM2.5.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những cố gắng ngăn chặn và giảm thiểu biến đổi khí hậu trên thế giới vẫn quá khiêm tốn. Đặc biệt, thế giới mới thu được thuế từ 13% lượng CO2 do con người thải ra và 71% trong tổng số gần 3.000 thành phố trên thế giới có mức độ phơi nhiễm với bụi mịn PM 2.5 hằng năm lớn hơn mức cho phép.