Chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam
25/02/2025
17 Lượt xem
Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được coi là bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản nhờ ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đây là định hướng phát triển nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nông nghiệp CNC, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như quy hoạch, kế hoạch phát triển; chính sách đầu tư hạ tầng, chính sách đất đai; chính sách đào tạo nghề…, trong đó đáng chú ý là chính sách tài chính, tín dụng đóng vai trò quan trọng, tạo động lực lớn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC.
Mặc dù hệ thống chính sách tài chính được đánh giá đã tích cực hỗ trợ cho nông nghiệp CNC, song nông nghiệp ứng dụng công nghệ cần phải đầu tư rất lớn, thu hồi vốn chậm, trong khi chính sách được đánh giá vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp CNC đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC. Cùng với đó, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC hay muốn ứng dụng CNC trong nông nghiệp vẫn gặp phải không ít thách thức. Đó là rào cản về vốn do nông nghiệp CNC cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị, tiếp cận và tích tụ đất đai… Vì những lý do trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Ngô Xuân Thanh tại Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã thực hiện đề tài: “Chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam” từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu đánh giá thực trạng chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam; nhận diện các hạn chế còn tồn tại; và từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả dưới đây:
Thứ nhất, các tác giả đã nghiên cứu lý luận về chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC. Trong đó phân tích khái niệm, đặc điểm, vai trò của nông nghiệp CNC. Chỉ ra nội hàm của chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC gồm chính sách huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính - tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC; chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC; chính sách thuế, phí nhằm phát triển nông nghiệp CNC; chính sách tài chính đất đai đối với việc phát triển nông nghiệp CNC. Đề tài cũng phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và yếu tố tác động đến chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC.
Thứ hai, các tác giả đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính phát triển nông nghiệp CNC của Israel, Nhật Bản, Na Uy, Trung Quốc, Thái Lan, OECD và chỉ ra 4 bài học đối với Việt Nam.
Thứ ba, đề tài đã phân tích tổng quan về phát triển nông nghiệp CNC và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam; đánh giá thực trạng chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam theo 4 nhóm chính sách chỉ ra trong phần nội hàm nghiên cứu. Đề tài đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân theo 4 nhóm chính sách nêu trên.
Thứ tư, trên cơ sở bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến sự phát triển của nông nghiệp CNC ở Việt Nam, chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam, tồn tại hạn chế và nguyên nhân của chính sách tài chính - tín dụng đối với nông nghiệp CNC ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đề tài đã kiến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính - tín dụng đối với phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới.
Kết quả đề tài cung cấp các luận cứ khoa học tin cậy để đánh giá thực trạng chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm đổi mới và hoàn thiện chính sách tài chính phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20567/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.