Cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển KH-CN
11/07/2018
461 Lượt xem
Sự ra đời của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh đã mở ra cơ hội cho các tổ chức KH-CN và DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để nghiên cứu, đưa tiến bộ KH-CN vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Các hộ dân tham gia dự án sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP nằm trong đối tượng
có thể vay vốn từ Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh.
Tiến sĩ Bùi Quang Mạnh (Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam) cho biết, ông đang thực hiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng sục khí công nghệ vật lý cơ lượng tử nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh tại BR-VT”. Dự án này thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh. Theo đánh giá của Hội đồng KH-CN tỉnh, dự án góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm hữu cơ, nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng, cung cấp quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng để chuyển giao cho các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, để thực hiện dự án, cần phải có nguồn kinh phí lên đến gần 4 tỷ đồng. Sau khi xem xét, Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh dự kiến sẽ tài trợ hơn 1,9 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh cho biết, Quỹ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2016, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước cấp. Tuy nhiên, sau khi thành lập, Quỹ gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn về hoạt động từ Bộ KH-CN. Từ tháng 3-2018, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ KH-CN, những vướng mắc về nguồn tài chính chi thường xuyên của Quỹ mới được tháo gỡ. Quỹ đã phối hợp với Sở KH-CN thẩm định kinh phí cho 18 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp kinh phí cho 8/15 đề tài, dự án, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng nghiên cứu KH-CN, phát triển nguồn nhân lực KH-CN tỉnh, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, Quỹ Phát triển KH-CN có các chức năng, nhiệm vụ: Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, các nhiệm vụ KH-CN đột xuất và tiềm năng cho các DN, tổ chức KH-CN trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH-CN tỉnh; Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Cho vay và bảo lãnh vốn vay nhiệm vụ KH-CN.
Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh, đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ là các tổ chức KH-CN và DN KH-CN. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 9 tổ chức KH-CN và 4 DN KH-CN. Với nhiều chính sách ưu đãi và thông thoáng, Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh sẽ khích lệ việc thành lập thêm các tổ chức và DN KH-CN. Để nguồn vốn của Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh đến với các tổ chức, DN, thời gian qua, cơ quan điều hành Quỹ đã tổ chức nhiều hình thức để quảng bá, thông tin trên trang web của Sở KH-CN và sàn giao dịch KH-CN tỉnh. Sau khi ổn định hoạt động, Quỹ sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành và địa phương thông tin hoạt động của Quỹ đến các tổ chức, cá nhân, giúp họ thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ, qua đó thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất…
Theo quy định, Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh sẽ tài trợ toàn phần hoặc một phần kinh phí cho một số nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở do tổ chức, cá nhân đề xuất nhằm mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực KH-CN trong phạm vi của tỉnh, nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức KH-CN công lập. Đồng thời, Quỹ cũng cho vay không quá 5 tỷ đồng/dự án và không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó, cho vay không lấy lãi đối với các dự án: Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; Ứng dụng công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Tạo việc làm và thu nhập cho các vùng nông thôn, miền núi và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội của tỉnh.