Do vậy, các nhà nghiên cứu tại Khoa Môi trường thuộc trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã sản xuất thành công màng phân hủy sinh học BioDF nhằm giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Để tạo ra màng phân hủy sinh học BioDF, nhóm nghiên cứu đã triển khai thu thập và sử dụng các nguyên liệu sẵn có và thân thiện với môi trường. Nguồn nguyên liệu có sẵn và dễ dàng tìm kiếm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm gạo, bột mì, bột năng và rong biển. Gạo sẽ được xay nhuyễn cùng nước, sau đó lọc qua rây, loại bỏ cặn thừa trên rây và lấy nước gạo. Rong biển thu được từ quá trình thực địa tại các vùng biển trong tỉnh, sẽ được rửa sạch nhiều lần qua nước để loại bỏ ốc, sò... bám vào rong. Sau đó, rong được phơi khô trong tủ sấy và nghiền thành bột khô.
Sau khi thu thập và sơ chế các nguyên liệu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành trộn nguyên liệu bột mì, bột năng, agar, gelatin, nước và nước gạo theo tỷ lệ phù hợp. Hỗn hợp này sau đó được đưa vào khuôn và tiến hành seal màng. Tiếp đó, màng seal được phơi trong 1 ngày hoặc sấy ở nhiệt độ 50oC trong 20 giờ.
Kết quả đã tạo ra khoảng 200m2 màng phân hủy sinh học (tương đương với 1.428 tấm, kích thước 0,14m2/tấm). Các mẫu sản phẩm đã được gửi đếnTrung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) để đánh giá các thành phần và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: độ dày, độ trong suốt của màng; khả năng chịu tải có thể so sánh được với nhựa thông thường dùng cho các mục đích khác nhau kể cả nhựa dùng một lần, khả năng chống mốc trong các điều kiện độ ẩm và nhiệt độ khác nhau.
Kết quả đánh giá cho thấy, màng phân hủy sinh học BioDF chịu lực tốt và có độ bền cao, chịu được khối lượng từ 3kg đến 7kg. Màng BioDF có khả năng phân hủy nhanh trong môi trường trong điều kiện nhiệt độ tương đối thấp, không gây ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng màng phân hủy sinh học về cơ bản đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng đến thay đổi một số hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Để sản phẩm tiếp cận được thị trường, các tác giả sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu các giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tiếp tục giới thiệu sản phẩm này đến với các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững thông qua sử dụng màng sinh học thay cho bao bì nhựa.