Ngày 26/10 vừa qua tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới Khoa học Quốc gia (NATIF) đã tổ chức hội thảo “Đổi mới công nghệ: Vai trò của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN và cơ quan quản lý" với mục đích lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về quy trình xét duyệt tài trợ của Quỹ.
Sản phẩm Sơn Chugoku của công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng được sơn cho tàu YN YEOSU của Công ty đóng tàu Phà Rừng.
Những doanh nghiệp đến tham dự hội thảo đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, phần lớn đều đã tiếp cận quỹ và đang ở giai đoạn khác nhau trong quá trình quỹ xét duyệt và thẩm định hồ sơ. Cho đến nay,với hàng trăm hồ sơ được gửi đến, đã có 10 doanh nghiệp nhận được tài trợ của quỹ với tổng số tiền khoảng 50 tỷ đồng.Tuy nhiên, ở thời điểm 7/2017, mới có hai doanh nghiệp được nhận tài trợ của Quỹ là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị Công nghiệp (CIE) với khoảng 25 tỷ đồng (chiếm gần 50% số tiền thực hiện dự án) và Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng với 4 tỷ đồng (chiếm khoảng 1/3 số tiền thực hiện dự án).
Phần lớn các doanh nghiệp dự hội thảo đều cho rằng không biết làm sao để đề xuất của mình phù hợp với ý tưởng và tiêu chí của NATIF. Anh Hoàng Trung Dũng, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP, chia sẻ, công ty đã từng làm hàng chục đề tài cấp Bộ, được rất nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học VIFOTEC nhưng “để gọt chân cho vừa giày” những ý tưởng của doanh nghiệp với yêu cầu của NATIF vẫn là "một trở ngại". Trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Một thành viên Sinh học Minh Hoàng – Gia Lai, nơi đang kết hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để sản xuất nhiên liệu sinh học, kể, đã hai năm nộp hồ sơ vào NATIF nhưng đến bây giờ công ty mới qua "vòng" đánh giá năng lực và bây giờ là "vòng" thẩm định hồ sơ. Trước đây, công ty đã tổ chức rất nhiều hội thảo giữa viện và doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có được đề xuất phù hợp với yêu cầu của quỹ. Đến nay, doanh nghiệp đã tự đầu tư và phát triển dự án, công nghệ cũng có nhiều đổi mới không còn giống với đề xuất trước đây nên “nếu bây giờ lại thuyết minh thì lại khó” – chị Mai cho biết.
Ngoài ra, với quy trình xét chọn như hiện giờ, thay vì chỉ xem xét tính khả thi, tính mới trong đề xuất của doanh nghiệp, quỹ lại can thiệp vào đề xuất, “đặt lại đầu bài” cho họ. Vì thế, có thể đề xuất cuối cùng không phải là những gì doanh nghiệp mong muốn. Ngay cả khi đề xuất của doanh nghiệp đã được phê duyệt, trải qua những đánh giá về nội dung và tài chính cũng không đơn giản. Lần lượt trải qua xét duyệt ở hai hội đồng về khoa học và tài chính với những quan điểm khác biệt, doanh nghiệp phải mất thời gian cho nhiều lần giải thích, báo cáo không cần thiết. Do quy trình thủ tục xét duyệt liên quan đến nhiều văn bản tài chính phức tạp, doanh nghiệp không thể lường hết nhưng Quỹ cũng không có nhân viên tư vấn, hỗ trợ họ. Bên cạnh đó, sau hơn hai năm hoạt động, NATIF vẫn chưa xác định được lĩnh vực và những sản phẩm ưu tiên tài trợ, "cái gì đưa lên cũng xét" nên vừa mất thời gian xét duyệt, vừa sử dụng kinh phí không hiệu quả.
Giải pháp trước mắt được đưa ra đối với quỹ đó là làm sổ tay hướng dẫn viết đề xuất, hướng dẫn giải ngân và công khai để các doanh nghiệp có thể làm việc với Quỹ dễ dàng hơn. Quỹ cũng nên thành lập một tổ tư vấn, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khúc mắc trong quá trình nộp và xét duyệt đề xuất. Ngoài ra, Quỹ cần thay đổi quy trình xét duyệt tài trợ thân thiện hơn với doanh nghiệp thay vì vẫn mang nặng cơ chế xin-cho như hiện nay. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đặt ra "mục tiêu phấn đấu" cho Quỹ trong thời gian tới rút ngắn quá trình từ lúc nhận đề xuất đến lúc ký hợp đồng với doanh nghiệp chỉ còn 9 tháng (con số này với các quỹ trên thế giới là 6 tháng).