Nghiên cứu đầu tiên về chất nhầy có trong hạt é của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cho thấy, chất nhầy này có khả năng hấp thụ chất béo từ động vật, hứa hẹn tiềm năng trong việc ứng dụng làm thực phẩm chức năng kiểm soát béo phì.
Hạt é (Ocimum basilicum) là hạt của cây húng quế, loại rau thơm có vị cay nồng quen thuộc với người dân Việt Nam. Hạt có kích thước nhỏ, màu đen, nở ra khi ngâm nước. Theo y học cổ truyền, hạt é mang tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt, giải độc cơ thể, thường được dùng chữa ho khan, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt,.. Theo y học hiện đại, hạt é chứa nhiều chất nhầy với thành phần chủ yếu là polysaccharide, có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp giảm lượng cholesterol, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, ổn định đường huyết,…
Khai thác một hướng mới, nhóm nghiên cứu ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM đã thực hiện đề tài “Thu nhận, xác định cấu trúc và đánh giá khả năng kiểm soát béo phì của chất nhầy hạt é” do PGS.TS Tôn Thất Quang làm chủ nhiệm.
Nhóm đã chiết xuất để thu chất nhầy từ hạt é và dùng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) và sắc ký khí ghép khối phổ (LC-MS) để xác định thành phần hóa học. Kết quả cho thấy, hàm lượng chất béo trong 100g chất nhầy dưới 0,5%, protein 10%, đường glucose dưới 0,5%. Các thành phần chính trong chất nhầy là polysaccharide, arabinose, galactose, xylose, mannose, glucose,..
Chất nhầy hạt é có khả năng trương nở khoảng 20 lần so với khối lượng ban đầu. Chất nhầy khi được ngâm ở các dụng dịch có độ pH khác nhau vẫn có khả năng trương nở tốt, không có sự thay đổi về mặt cảm quan. Không chỉ bền đối với các điều kiện pH có trong hệ tiêu hóa, chất nhầy còn có khả năng hấp thụ chất béo từ động vật, thực vật từ 1-5mg với mỗi 1g chất nhầy khô. Thử nghiệm trên chuột, kết quả giảm 5 – 10% thể trọng chuột béo phì khi ăn thêm chất nhầy so với khẩu phần ăn đối chứng. Ngoài ra, chất nhầy không gây độc cấp tính và trường diễn (30 ngày) ở chuột.
PGS.TS Tôn Thất Quang cho biết, trên thị trường Việt Nam, hiện đa số các sản phẩm thực phẩm chức năng, đặc biệt là sản phẩm kiểm soát cân nặng, là sản phẩm nhập khẩu. Do vậy việc tạo ra một thực phẩm chức năng kiểm soát béo phì, với quy trình ổn định và nguồn nguyên liệu bền vững từ nội địa là một thế mạnh lớn khi áp dụng kết quả nghiên cứu của đề tài. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, kiểm tra độ bền của chất nhầy trong môi trường mô phỏng đường ruột, bằng cách bổ sung thêm các enzym có trong hệ tiêu hóa. Đồng thời, thử nghiệm khả năng kiểm soát béo phì ở các nồng độ chất nhầy khác nhau, nhằm tìm ra nồng độ thích hợp để thử nghiệm lâm sàng.
Đề tài nghiên cứu của nhóm đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu năm 2020.